Tin địa phương

Khát vọng mùa Xuân biên giới

Nguyễn Liên 17/02/2024 13:07

Nhìn lại 45 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 để không ai được phép lãng quên, ghi nhớ lịch sử bi hùng của dân tộc. Từ khát vọng độc lập, tự do trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đến xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Khát vọng Cao Bằng- hồi sinh mạnh mẽ từ vùng đất chết

Lịch sử Cao Bằng ghi chép lại: Ngày 17/2/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta. Ở Cao Bằng, quân xâm lược tiến đánh theo 4 hướng: Thông Nông, Trà Lĩnh, Quảng Hòa, Thạch An rồi đánh Nguyên Bình, Hà Quảng tiến vào thị xã Cao Bằng (nay là TP Cao Bằng).

Cuộc chiến tranh biên giới đã làm cho 80% số xã, 70% nhà cửa bị hủy hoại; 1.500 người chết, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội bị tàn phá nặng nề.

z5167139650358_748b6314009f659d9e5d3a3047e64dd8.jpg
Sau 45 năm, nhà sinh hoạt cộng đồng xóm Đồng Chúp đabg được xây dựng và dự kiến khánh thành ngày 19/2 tới đây sẽ thổi hơi ấm cho vùng đất lạnh

Xóm Tổng Chúp (Đồng Chúp), xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, nơi ghi dấu lịch sử ngày 9/3/1979 - chỉ 4 ngày sau khi tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam, quân đội Trung Quốc trên đường rút lui đã tấn công vào một trại nuôi heo ở Tổng Chúp, làm nhiều người thương vong.

45 năm đã trôi qua, vùng đất lạnh hôm ấy nay đã được thổi hơi ấm, khi sau 2 lần viếng thăm và khảo sát thực tế, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị tỉnh Cao Bằng cho xây dựng một nhà sinh hoạt cộng đồng gắn với gian thờ tưởng niệm tại Đồng Chúp. Toàn bộ kinh phí xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng nơi đây được các nhà hảo tâm tại TP.HCM tài trợ. Vào ngày 19/2/2024 tới đây, nhà sinh hoạt cộng đồng này sẽ được khánh thành.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Cao Bằng La Thị Vũ Hiền, chia sẻ: “Sau khi đi vào hoạt động, đây cũng sẽ là nơi tổ chức học tập, tham quan, giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ. Đến nay, các cơ quan chức năng Cao Bằng đã xác định được danh tính cụ thể của 37/43 người trong vụ thảm sát ở Tổng Chúp”.

Ông Đàm Thế Chính, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng dân phố xóm Đồng Chúp, cho biết: Khi được bàn về việc xây dựng khu tưởng niệm, mọi người dân nơi đây đồng lòng ủng hộ, tự nguyện hiến đất. Cả thôn không tiếc công sức, tổ chức dọn dẹp mặt bằng, hỗ trợ công tác xây dựng khu tưởng niệm. Công trình này sẽ thay đổi bộ mặt Đồng Chúp.

“Lịch sử phải được ghi lại, để con cháu đời sau vẫn nhớ, biết đến. Chúng ta khép lại quá khứ nhưng không được phép lãng quên vì hòa bình, độc lập tự do của dân tộc và sự phát triển, hợp tác, xây dựng quê hương đất nước phồn thịnh và tương lai phía trước”.

Câu chuyện xóm Đồng Chúp đã thể hiện ý chí, sự quyết tâm của người Cao Bằng kiên cường, mạnh mẽ vươn lên sau đổ nát, biến vùng đất lạnh thành miền quê đáng sống. Cao Bằng hôm nay khi đường thông, kinh tế mở đang dần thay da đổi thịt, phát triển mạnh mẽ.

cua-khau-1.jpeg
Lễ thông xe tại khu vực lối thông quan Nà Đoỏng (Việt Nam) - Nà Ráy (Trung Quốc)

Từ đống đổ nát mà cuộc chiến để lại, Cao Bằng sau 45 năm lột xác ngoạn mục, diện mạo đô thị sôi động, hoạt động giao thương, thu hút đầu tư, cải thiện hạ tầng giao thông, chăm lo đời sống người dân đến các chính sách đối ngoại đúng đắn đã đưa vị thế của tỉnh được nâng lên tầm cao mới.

Ông Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã chia sẻ điểm sáng trong tăng trưởng của tỉnh sau 45 năm và riêng năm 2023.

“Cao Bằng có quy mô nền kinh tế trên 10.000 tỷ đồng, tỉnh duy trì nhịp độ tăng trưởng dương với tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 là 2,24%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 6.700 tỷ đồng. Một trong bước ngoặt cho sự phát triển kinh tế biên mậu Cao Bằng năm 2023 là cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc), trở thành cửa khẩu quốc tế đầu tiên trên tuyến biên giới dài hơn 330km tại Cao Bằng. Cùng với Dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh khởi công ngay đầu năm 2024, sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ quan trọng, để đưa hàng hóa từ các khu vực phía Tây, Tây Nam Trung Quốc qua Việt Nam đi các nước ASEAN và ngược lại”, ông Hoàng Anh Xuân cho biết.

cao-toc1.jpg
Ngày 1/1/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Có thể nói, đây là dự án có tính chất, ý nghĩa rất quan trọng của tỉnh và là ước vọng nhiều đời nay của Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Dự án hoàn thành sẽ tạo sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Cùng với việc nâng cấp Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh, tuyến cao tốc này được kỳ vọng sẽ là huyết mạch giao thông, giúp Cao Bằng trở thành cửa ngõ của các loại hàng hóa trong nước cũng như nước ngoài qua cảng Hải Phòng sang Trung Quốc và hàng hóa từ các địa phương phía Tây, Tây Nam Trung Quốc sang Việt Nam và đi các nước ASEAN.

Về lĩnh vực du lịch, tỉnh Cao Bằng xác định là một trong ba đột phá chiến lược, với mục tiêu từng bước đưa du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng tỉnh Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định

Vươn mình đổi thay của miền đá nở hoa

Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989), Hà Giang là địa phương thoát khỏi cuộc chiến muộn nhất, chịu nhiều tổn thất. Hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh, hơn 9.000 cán bộ, chiến sĩ bị thương... Mặt trận Vị Xuyên được coi khốc liệt, diễn ra dài nhất, nơi ghi dấu tinh thần quả cảm quân và dân ta.

bao-cly.jpg
Đoàn công tác Báo Công lý dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên

45 năm nhìn lại, Hà Giang hôm nay đã vươn mình đổi thay khó có thể ngờ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra 3 nhiệm vụ đột phá, 5 chương trình trọng tâm và 17 chỉ tiêu cụ thể. Với quyết tâm cao, sự đoàn kết trong hệ thống chính trị tỉnh Hà Giang, nửa nhiệm kỳ đi qua, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã “cán đích” các mục tiêu đề ra. Điều này một lần nữa khẳng định, sự năng động, đoàn kết, đổi mới và khát vọng vươn lên vì một Hà Giang ngày càng phát triển bền vững.

3 đột phá chiến lược là: Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; liên kết vùng phát triển du lịch và đột phá phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao. Từ đó phấn đấu xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có KT - XH phát triển khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có KT – XH trung bình khá của cả nước.

ha-giang-v.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn nút khởi công Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Đây được xem là công trình có tính chất quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội Hà Giang, là cú hích đưa Hà Giang lên một tầm cao mới khi “thông đường, kinh tế mở”

Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 22/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nhận định rõ: “Hệ thống giao thông của tỉnh hiện nay còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối, hiện đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển”. Với vai trò, vị trí là tỉnh biên giới, nơi địa đầu của cực Bắc, trong suốt nhiều năm qua, Hà Giang luôn được Chính phủ, Bộ ngành quan tâm, nâng cấp đầu tư hạ tầng. Trong đó, giao thông trong nửa đầu nhiệm kỳ qua được đặc biệt quan tâm khi sự kiện cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang chính thức khởi công. Đây được xem là công trình có tính chất quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội Hà Giang. Cú hích đưa Hà Giang lên một tầm cao mới khi “thông đường, kinh tế mở”.

dl-ha-giang.jpg
Hà Giang được vinh danh Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023

Lĩnh vực Du lịch tỉnh Hà Giang hiện đang là ngành kinh tế mũi nhọn thay da đổi thịt đời sống Nhân dân các dân tộc nơi đây. Bằng sự nỗ lực toàn hệ thống chính trị, Hà Giang đang là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch, minh chứng là lượng khách du lịch đến tỉnh không ngừng tăng qua các năm, bình quân tăng trên 15%/năm. Đáng chú ý, đầu năm 2023, Hà Giang vui mừng được tờ báo nổi tiếng của Mỹ - The New York Times đưa vào danh sách 52 điểm đến toàn cầu năm 2023; Tạp chí Du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet (Australia) bình chọn Hà Giang nằm trong top 10 điểm đến tuyệt vời nhất Việt Nam năm 2023…

Năm 2024, Hà Giang đề ra mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách; tiếp tục khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng tầm vị thế, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế địa phương; phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 7.800 tỷ đồng, đóng góp 10,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn.

Nghị quyết số 11 ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị nêu rõ phương hướng phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện. Nhất quán quan điểm, tầm nhìn và chiến lược của Đảng, là một trong những địa phương đặc biệt khó khăn, nghèo nhất cả nước với 7 huyện nghèo địa hình núi đá, chia cắt mạnh, có tới 86% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, tỉnh Hà Giang đã tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết và có nhiều cách làm sáng tạo nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế gắn với liên kết vùng theo phương châm “Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng mùa Xuân biên giới