Khẳng định của Bộ trưởng và sự bất cẩn của công nhân

Minh Thư| 13/05/2015 14:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như một thói quen sau mỗi lần sắt rơi, sập giàn giáo tôi lại chờ được xem những cuộc họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm, những cuộc điều tra “vô tiền khoáng hậu”.

Trong một thời gian rất ngắn, liên tiếp 3 vụ tai nạn lao động xảy ra tại các công trường ở Hà Nội. Đã có người bị thương nhưng cực kỳ may mắn là không mất mạng. Có lẽ những người bị thương ấy phải nên thắp hương rì rụp khấn lạy cảm ơn tiên tổ đã phù hộ độ trì hoặc tự an ủi mình rằng tướng sinh ra có quý nhân phù trợ.

Không đúng sao, khi không biết dựa vào đâu, khi niềm tin không có chỗ để mà bấu víu thì phần lớn trong chúng ta thường gửi mình vào cõi hư để mà tĩnh tâm đấy thôi. Nói vậy để an ủi lẫn nhau chứ các các ban ngành cũng họp hành kiểm điểm sốt sắng lắm, lo cho tính mạng người dân lắm, chỉ là chưa tìm ra giải pháp thích hợp nhất.

Khẳng định của Bộ trưởng và sự bất cẩn của công nhân

Hiện trường vụ sập cần cẩu ngày 12/5 tại Cầu Giấy (Ảnh VNN)

Sáng đến cơ quan, anh đồng nghiệp cùng phòng chém mạnh tay buông một câu thắc mắc “sao chưa thấy khởi tố ai?”. Tôi bấm đốt tay rồi bảo: “Yên tâm đi, đã đến lần thứ 10 đâu”. Tôi biết không thể đem nó so sánh với vụ vỡ đường ống dẫn nước được nhưng có vẻ như có người đang nghĩ rằng, việc rơi thanh sắt, sập cần cẩu mà chưa ai bị chết thì hẳn là nó chưa nghiêm trọng.

Trong một cuộc trả lời chất vất tại Quốc hội ngày 18/11/2014, sau khi đại biểu lo lắng về sự an toàn của các công trình giao thông đang thi công ở Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhấn mạnh: “Tôi rất đáng tiếc vì xảy ra sự cố vừa qua và sau sự cố này đã xử lý trách nhiệm các bên liên quan, dừng dự án để kiểm tra tổng thể, chỗ nào đảm bảo đúng thầu mới cho thi công trở lại. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi đã chuẩn bị các phương án cụ thể, kể cả trong vận hành sau này, sẽ phải tổ chức nghiệm thu đúng quy định, an toàn. Yếu tố an toàn vẫn là tiêu chuẩn số một, sẽ cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân”.

Nhắc đến Bộ trưởng Thăng tôi mới sực nhớ, mấy ngày nay sao không thấy ông phát biểu gì. Tôi cho rằng, ông bận nhiều việc quốc gia đại sự chứ không như người dân thường nghĩ “há miệng mắc quai”.

Trở lại vụ việc sập cần cẩu mới nhất ngày 12/5 ở Cầu Giấy, Hà Nội phía nhà thầu đã chỉ ra nguyên nhân ban đầu là do không lường trước được sự cố cộng với việc công nhân bất cẩn. Tất nhiên, các sở, ban ngành của Hà Nội vẫn đang tích cực điều tra để làm rõ hơn.

“Bất cẩn”- cá nhân tôi nghĩ không còn từ ngữ nào chính xác hơn để bao biện trong trường hợp này. Nó được dùng đi dùng lại đến nhàm chán trong bất kỳ tình huống nào. Hiểu một cách thông dụng nhất thì "bất cẩn" rõ ràng không phải dụng ý chủ quan cá nhân.

Nếu để ý, đi qua các công trình thi công chúng ta thường nhìn thấy một băng rôn với nội dung “An toàn là hạnh phúc của bạn”. Bạn ở đây là ai? Tôi băn khoăn “bạn” là những người thực hành thi công hay hàm ý chỉ người đi đường? Hay là cả hai đáp án A và B đều đúng. Ngôn ngữ tiếng Việt hiểu theo nghĩa nào cũng thấy chính xác, khó mà hiểu cụ thể được. Chính vì vậy nên khi quy trách nhiệm cũng rất chung chung và thường là “có phúc cùng hưởng, có nạn thì cùng chịu”. Ai cũng có phần lỗi cả. Nhưng có điều công nhân có thể cho nghỉ được chứ lãnh đạo mà từ chức thì lấy ai phục vụ dân.

Trong khi Bộ trưởng vẫn khẳng định, công nhân cứ bất cẩn còn người đi đường thì “sống chết mặc bay”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định của Bộ trưởng và sự bất cẩn của công nhân