Khám phá “Sa Pa” của xứ Thanh

Thanh Phương| 29/12/2015 09:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Son Bá Mười (hay còn gọi là khu Cao Sơn) là 3 bản vùng cao của xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 130km về phía Tây Bắc.

Ở đây có hệ sinh thái núi đá vôi thấp duy nhất tại miền Bắc Việt Nam với những cánh rừng nguyên sinh hàng ngàn năm tuổi.

Nơi đây còn được ví như một Sa Pa thu nhỏ bởi khí hậu ôn hòa quanh năm, nhiệt độ trung bình trong năm từ 18-22 độ C, đôi khi mùa đông có tuyết rơi, tối mùa hè nhiệt độ cũng xuống rất thấp. Khám phá Son Bá Mười, du khách không chỉ được thưởng thức vẻ đẹp của một vùng sơn cước thể hiện đậm nét qua những cánh đồng lúa chín, những bản làng nép mình dưới bóng cọ và sự thân thiện hiếu khách của người Thái, người Mường sinh sống, mà còn được thưởng thức những món ăn dân tộc như cơm lam, nộm hoa chuối rừng, canh đắng, măng vịt, rượu ngô... và hòa mình vào cuộc sống giản dị, giàu nghĩa tình của con người vùng sơn cước.

Từ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, chúng tôi ngược lên thị trấn huyện, sau đó đi hơn 20km nữa, lúc này đã về chiều, mặt trời như một trái chín lơ lửng treo đỉnh núi. Mặc cho nắng gió ràn rạt qua mặt, những tay lái vẫn kiên cường vượt qua đỉnh núi Pha Hé cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Để vượt qua từng khúc cua gấp cho đến những con dốc cao gần như dựng đứng, xe của chúng tôi liên tục ghì ở số 1 và tăng ga hết cỡ. Có lúc xe không lên nổi vì đoạn đường phía trên cùng vẫn chưa làm xong, ngổn ngang đất đá và trơn trượt, phải xuống dắt bộ, nhưng không ai trong đoàn thấy mỏi mệt. Bỗng đâu, một làn gió mát rượi khẽ hút lấy chúng tôi trong giây lát. Anh Bình, cán bộ Ban quản lý - người dẫn đường liền giải thích: “Hơi mát ấy là do chúng ta vừa chạm đến “cửa rừng” đấy!”. Thật thú vị và sảng khoái, bởi chúng tôi đã đi qua ranh giới giữa hai nấc thang khí hậu khá rõ.

Khám phá  “Sa Pa” của xứ Thanh

Son Bá Mười hấp dẫn du khách bởi vẻ hoang sơ

Vừa đi tiếp, anh Bình vừa giới thiệu: Son Bá Mười gồm có 3 thôn bản người dân tộc Thái là thôn Son, thôn Bá và thôn Mười. Nơi đây được coi là biệt khu của huyện Bá Thước, thường gọi là khu Cao Sơn. Đây cũng là vùng lõi thuộc địa bàn của Ban quản lý. Chúng tôi như choáng ngợp khi mở ra trước mắt là cả một vùng không gian thoáng đãng, bạt ngàn màu xanh của cây cối xen lẫn những nếp nhà sàn thâm nâu của người Thái, đẹp như trong bức tranh làng quê yên bình. Nơi đây được du khách ví như Sa Pa, Đà Lạt hay “vịnh Hạ Long trên cạn. Điều khiến chúng tôi hết sức ngỡ ngàng nữa là có vô số những mỏm đá đen sậm nằm lô nhô giữa đồng bãi thôn Son, tựa như những núi đá trên vịnh Hạ Long vậy. Thôn Son là thôn đầu tiên khi bước vào khu Cao Sơn, thôn Mười ở giữa và cuối cùng là thôn Bá.

Anh Bình dẫn chúng tôi đi hết một vòng ngắm cảnh bản làng miền sơn cước. Điểm dừng chân cuối ngày của chúng tôi là Trạm kiểm lâm, tọa lạc trên một khu đồi thuộc địa phận thôn Mười. Cũng may, tới trạm thì trời vừa xẩm tối, một cơn mưa rả rích kéo lê đêm lạnh. Tối hôm đó vừa mệt, vừa đói, rét, chúng tôi được anh em ở trạm đãi bữa cơm thân mật, có đặc sản ốc đá, gà đồi, canh đắng, nhâm nhi với vài chén rượu trắng. Cảm nhận về một vùng cao tuy còn nhiều gian khó nhưng ấm áp tình người làm chúng tôi nhớ mãi...

Sáng sớm hôm sau, Trưởng thôn Mười - Ngân Mạnh Hùng đã đón chúng tôi ở trước cửa nhà. Anh vui vẻ mời chúng tôi vào và cho biết: Trước đây, muốn vào thôn vất vả lắm, phải theo lối mòn leo qua đỉnh Pha Hé mất nửa ngày đường hoặc ngược sang Hòa Bình đi bộ hàng cây số mới vào tới nơi. Bây giờ có đường sá, tiện hơn rất nhiều. Toàn thôn hiện có 56 hộ với 238 nhân khẩu sinh sống, bà con ở đây chủ yếu trồng ngô, với 30ha, năng suất đạt 2 tạ/sào, lương thực tạm đảm bảo. Bà con còn chăn nuôi gia súc với tổng đàn khoảng 100 con bò, 50 con trâu, ít lợn, gà. Ngoài ra, người dân trong thôn có thêm thu nhập từ trồng vầu, lấy măng và thân cây để bán. Mấy năm nay, do tập trung chuyển đổi cây trồng, trên này đã trồng thí điểm cây dược liệu tam thất 2,7ha, bước đầu cho thu nhập khá, từ 100 - 150.000 đồng/ngày công/người. Ở đây, cây lúa hạn chế canh tác vì khí hậu lạnh, cây không phát triển được nên bà con chăm chỉ trồng ngô, trồng vầu, chăn nuôi gia súc lấy sản phẩm mang sang chợ Hòa Bình trao đổi hàng hóa, đổi lấy gạo ăn, đời sống bà con khá dần lên trông thấy.

Anh Hùng say sưa kể cho chúng tôi nghe gốc tích về cái tên bản Mười. Khoảng mấy trăm năm trước, có người họ Lương lên đây cư trú đầu tiên. Ban đầu chỉ có vài nếp nhà lưa thưa rồi sau đông đúc dần. Lúc đó, chưa có các mó nước như bây giờ, người dân phải vào rừng chặt lóng thân cây đền (người Thái gọi là cây đền, người Kinh gọi là cây mười), để lấy nước chứa trong thân cây uống cho đỡ khát. Từ đó, người dân lấy tên cây mười để gọi tên bản Mười, thôn Mười...

Khá nhất ở khu Cao Sơn này phải kể đến thôn Son. Trưởng thôn Ngân Văn Đức phấn khởi: Thôn Son có số dân đông nhất toàn khu này với 99 hộ chia làm 422 nhân khẩu. Cây ngô được coi là cây trồng chủ lực của các hộ dân, với tổng diện tích 45ha. Đặc biệt, từ năm 2013, địa phương đã đưa vào trồng 2ha cây mướp đắng, có 42 hộ tham gia trồng đã cho hiệu quả đạt 15 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Đây là loại cây chủ yếu lấy hạt, mỗi năm cho thu hoạch hai đợt, công ty thu mua mướp đắng cung ứng toàn bộ vật tư và bao tiêu sản phẩm. Từ khi đưa vào trồng loại cây này, bà con có thu nhập khá hẳn. Bên cạnh đó, việc địa phương đưa vào trồng thử nghiệm cây dược liệu cũng hứa hẹn mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con nơi đây.

Con đường cheo leo xẻ núi băng rừng lên với bản làng vùng cao Son Bá Mười dài chừng hơn 10 cây số đang dần hiện ra trước mắt. Đây có thể gọi là con đường “khai sáng”, được tỉnh quan tâm đầu tư, đang gấp rút thi công, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành. Có đường, tiếp đó sẽ có điện sáng về tới thôn bản và còn nhiều chương trình phục vụ lợi ích dân sinh khác nữa. Chẳng bao lâu nữa, đời sống của đồng bào dân tộc vùng cao Son Bá Mười sẽ bừng sáng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khám phá “Sa Pa” của xứ Thanh