Chiều 25/9, Bộ Y tế chính thức khánh thành 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự buổi lễ quan trọng này.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, lễ khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa là sự kiện quan trọng và có nghĩa lớn đối với triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, ghi nhận sự tham gia tích cực của ngành y tế trong tiến trình thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.
Thủ tướng cũng nhiệt liệt biểu dương Bộ Y tế đã cụ thể hóa Chương trình Chuyển đổi số quốc gia qua việc xây dựng và triển khai "Đề án Khám chữa bệnh từ xa" - Telehealth, một đề án có ý nghĩa nhân văn cao cả hướng đến mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
“Mở rộng hoạt động khám chữa bệnh từ xa có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới của ngành y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh toàn tuyến, hướng tới sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế. Người dân cả nước tại bất cứ đâu đều có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất của tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn, điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.
Thủ tướng chỉ đạo nhiệm vụ của ngành y tế là mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh từ xa đến hơn 14.000 cơ sở y tế trong cả nước, thực hiện "bao phủ y tế toàn dân", đồng thời hướng tới kết nối với quốc tế.
Hiện hệ thống khám, chữa bệnh từ xa đã kết nối sang Lào và Campuchia. "Tôi tin trong tương lai người dân không cần ra nước ngoài để khám, chữa bệnh", Thủ tướng nói.
Về phía Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long chia sẻ, Bộ Y tế đã lựa chọn thông điệp chủ đạo của đề án là “Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”, với thông điệp này không đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số ngành y tế mà đề án có tính nhân văn sâu sắc, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở, rút ngắn khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới.
“Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế, các thầy thuốc, các y bác sĩ, các cán bộ y tế sẽ thực hiện và lan tỏa thông điệp “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”, phát huy trí tuệ, tinh thần hỗ trợ, hướng dẫn để triển khai hiệu quả chương trình khám, chữa bệnh từ xa để từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở để phục vụ người dân ngày một tốt hơn”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án Khám, chữa bệnh từ xa.
Đề án Khám, chữa bệnh từ xa được ban hành ngày 22/6 với hai mục tiêu căn bản. Đó là tất cả các cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện, được hỗ trợ chuyên môn liên tục; mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết.
Trước đây, việc hỗ trợ chuyên môn theo phương thức 1-1, tức là một tuyến trên hỗ trợ cho một tuyến dưới; nay mở rộng theo mô hình 1-N nhân rộng phạm vi thụ hưởng. Bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cho một bệnh viện tuyến dưới nhưng tất cả bệnh viện khác trong mạng lưới đều có thể tham gia hội chẩn, theo dõi, qua đó được học tập, nâng cao chuyên môn.
Đề án khám, chữa bệnh từ xa còn có nhiệm vụ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng khám, chữa bệnh theo phương thức kết hợp bác sĩ tuyến trên và bác sĩ tuyến dưới theo mô hình 1-4-4-2. Tức là, một bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 bác sĩ tuyến xã. Trong đó, bác sĩ tuyến trên đóng vai trò như người bảo trợ, hỗ trợ cho đồng nghiệp tuyến dưới khi cần thiết.
Sau 2 tháng nỗ lực triển khai kết nối các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là những cơ sở khám chữa bệnh ở các địa phương, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biển đảo đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với gần 30 bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP.HCM.
Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải chuyển tuyến trên; những điểm cầu vùng sâu, vùng xa như Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé được kết nối với bệnh viện trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế…