Chính trị

Khai thác, sử dụng khoáng sản tiết kiệm hiệu quả

Duy Tuấn 28/06/2024 - 17:55

Đại biểu Quốc hội đề nghị quản lý khai thác, sử dụng khoáng sản tiết kiệm hiệu quả. Vì hầu hết khoáng sản không thể tái tạo…

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, chiều 28/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về luật Địa chất và Khoáng sản.

ks4.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Theo điều 104 về khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, dự thảo luật quy định 5 tiêu chí của khu vực không đấu giá. Trong đó, có 3 tiêu chí cụ thể, gồm: khoáng sản năng lượng, khoáng sản phóng xạ đã được xác định trong chiến lược, quy hoạch phát triển ngành quốc gia; khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản; khu vực khoáng sản thuộc vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, quy định 2 tiêu chí không đấu giá gồm "trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định"; và trường hợp quy định tại quy định chi tiết của Chính phủ về điều 104.

ks2.jpeg
Đại biểu Trần Hữu Hậu- Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Theo đại biểu Trần Hữu Hậu- Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, điều 104 dự thảo luật quy định, khu vực không đấu giá quyền khai thác là: "khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản". Tuy nhiên, quy định như thế thì chưa đủ.

Theo đại biểu, quyền khai thác khoáng sản ở những khu vực này cần được định giá phù hợp và đưa vào giá dự toán để tổ chức đấu thầu thực hiện dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị cân nhắc kỹ các quy định về khu vực khoáng sản không đấu giá. Đồng thời, "giải trình cụ thể vì sao không đấu giá".

ks1.jpeg
Đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Bên cạnh đó, ngoài 3 tiêu chí cụ thể, dự thảo luật quy định "trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định", đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, "không rõ ràng" và cần có giải trình cho rõ.

Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, đại biểu Trần Thị Kim Nhung- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tán thành việc giao cho Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản nhóm 1. Tương tự, giao cho Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khoáng sản với nhóm 2.

Theo đại biểu, nên giữ quy định như vậy với 3 lý do. Thứ nhất, điều này không gây xáo trộn chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý của nhà nước về khoáng sản. Bởi sự thay đổi này chưa cần thiết và chưa được đánh giá tác động.

ks3.jpeg
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Hai là, quán triệt nghiêm túc theo yêu cầu của Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị gắn kết chặt chẽ, hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, đến chế biến, sử dụng khoáng sản.

Ba là, nếu giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì lập quy hoạch thì bộ tài nguyên vừa là cơ quan lập, vừa là cơ quan quản lý quy hoạch, đồng thời là cơ quan cấp phép cho hoạt động khoáng sản.

"Như vậy ở góc độ nào đấy cũng có thể có quan điểm coi đây là quy định gọi là có nguy cơ tiềm ẩn, phát sinh tiêu cực tham nhũng", đại biểu Nhung nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác, sử dụng khoáng sản tiết kiệm hiệu quả