Tối ngày 30/11, tại quảng trường Đại Đoàn Kết (Pleiku-Gia Lai) đã diễn ra lễ khai mạc lễ hội Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và chỉ đạo lễ khai mạc.
Tham dự lễ khai mạc còn có các đồng chí Võ Văn Thưởng –Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Tô Lâm- Bộ trưởng Bộ Công an; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, cùng các bộ, ban ngành khác. Bên cạnh đó, lễ khai mạc còn có sự tham dự của Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Liên bang Nga tại Đà Nẵng; Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh; Lãnh sự Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh và Lãnh đạo tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia); lãnh đạo tỉnh Gia lai, lãnh đạo các tỉnh và các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty, các doanh nghiệp ở Trung ương và địa phương cũng về tham dự lễ khai mạc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ
Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 là lễ hội được đón đợi nhiều nhất thời gian qua với sự hội tụ của nhiều dân tộc như: Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk), Mnông (tỉnh Đắk Nông), Bahnar (tỉnh Kon Tum), Chu Ru (tỉnh Lâm Đồng), Jrai và Bahnar (tỉnh Gia Lai) và các đơn vị khác xuyên suốt từ Tây Bắc đến Tây Nam bộ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ niềm hạnh phúc khi có mặt tại đây, gửi đến cộng đồng dân tộc các Tây Nguyên lời chúc tốt đẹp. Thủ tướng điểm lại một số tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa của khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng. Qua đó, Thủ tướng đề nghị chính quyền và nhân dân các tỉnh cùng chung tay giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để tiếng cồng chiêng mãi ngân vang, ngân xa. Đồng thời, xây dựng tỉnh Gia Lai có kết cấu hạ tầng phát triển, nâng cấp công nghệ, hệ sinh thái, du lịch.... Xây dựng Gia lai là điểm đến của các tỉnh gần xa. Tạo dựng cuộc sống tốt đep, giàu có cho các dân tộc Gia Lai.
Buổi khai mạc diễn ra sôi động, đậm đà bản sắc dân tộc
Theo ghi nhận của PV, thời điểm trước, trong và sau lễ khai mạc tại quảng trường Đại Đoàn Kết (TP.Pleiku), tiếng trống, chiêng ngân vang kèm theo đó là hàng nghìn du khách và người dân địa phương nhún nhảy, hòa theo điệu nhạc.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cùng các lãnh đạo ban ngành khác tham dự buổi lễ
Thông qua lễ khai mạc và Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 sẽ góp phần khẳng định và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam; Tôn vinh nét văn hóa đặc sắc, động viên khích lệ nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, sáng tạo những giá trị văn hóa mới của đồng bào các dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới.
Ngoài ra, cũng là dịp để quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người và tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Hàng nghìn người dân đến theo dõi sự kiện lớn nhất trong năm ở Tây Nguyên
Lễ hội sẽ có hơn 1.000 người tham gia thuộc 26 đoàn nghệ nhân đến từ Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng... Là đơn vị chủ nhà, các đoàn nghệ nhân của 17 huyện, thị xã, TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai) nỗ lực tập luyện từ nhiều tháng trước để mang đến cho du khách những tiết mục đặc sắc, mang đậm dấu ấn của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.