Sáng nay 1/4/2016, tại Hội trường Thống nhất, TP.HCM chính thức diễn ra Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 4 do TANDTC Việt Nam đăng cai tổ chức.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị
Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Việt Nam Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị. Hội nghị vinh dự có sự hiện diện của ông Lê Lương Minh, Tổng Thư ký ASEAN.
Về khách quốc tế có 120 khách thuộc 10 đoàn Tòa án tối cao do Chánh án Tòa án tối cao các nước ASEAN dẫn đầu, trong đó có 60 đại biểu quốc tế.
Về phía Việt Nam có các đồng chí: Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp…các Phó Chánh án và Thẩm phán TANDTC; đại biểu của các TAND cấp cao...
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh án TANDTC Việt Nam phát biểu: Hội nghị là diễn đàn trao đổi cấp cao của người đứng đầu cơ quan tư pháp của các nước ASEAN với mục tiêu trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thắt chặt quan hệ hợp tác đa phương giữa các nước.
Hội nghị cũng là nơi Chánh án các nước trao đổi về những chính sách chung, các ý tưởng hợp tác giữa các nước nhằm phát triển nền tư pháp khu vực. Có thể nói, đây được coi là biểu tượng của sự hợp tác và hội nhập khu vực của cơ quan tư pháp các nước ASEAN.
Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội nghị
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Truyền thống hợp tác của các nước ASEAN là sự đồng thuận, và sự đồng thuận của Tòa án các nước trong các lĩnh vực hợp tác và đưa ra chính sách chung thể hiện sức mạnh, sự đoàn kết chặt chẽ giữa Tòa án các nước ASEAN. “Tôi mong rằng, các Ngài Chánh án, các vị đại biểu của Tòa án các nước tham dự Hội nghị này sẽ thảo luận cởi mở, với tinh thần xây dựng đối với các chủ đề của Hội nghị và tập trung vào những chủ đề chính, để chúng ta cùng có được tiếng nói chung về vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm”.
Ông Lê Lương Minh, Tổng Thư ký ASEAN phát biểu
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Lương Minh, Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh: ASEAN cần tiếp tục tìm kiếm những sáng kiến để đem lại sự thịnh vượng, bình an cho người dân trong khu vực. Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, chúng ta xây dựng các cơ chế để giải quyết những thách thức hiện nay. Sự hợp tác toàn diện, trong đó có tư pháp, hệ thống Tòa án sẽ giúp ASEAN giải quyết được những tồn tại, để cùng hướng đến Nhà nước pháp quyền, lấy người dân làm trung tâm.
Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ IV đặc biệt có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN vừa chính thức được thành lập vào năm 2015, với mong muốn xây dựng một Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột An ninh, Kinh tế và Văn hóa xã hội với hơn 625 triệu người dân, với mục tiêu hòa bình, ổn định, liên kết, phát triển. Sự hợp tác của Tòa án các nước ASEAN cũng không nằm ngoài mục tiêu chung này.
Trong bài phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng Việt Nam đã và đang đóng vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN trong việc đề ra các chính sách chung, góp phần giữ vững ổn định và phát triển của khu vực. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc Tòa án các nước ASEAN tổ chức Hội Nghị Chánh án các nước ASEAN nhằm chia sẻ kinh nghiệm tốt, thông tin pháp luật và thực tiễn pháp lý của nhau, xây dựng hệ thống tư pháp và pháp luật của các nước dựa trên những chuẩn mực chung được thừa nhận rộng rãi. Phó Chủ tịch Quốc hội mong rằng cơ chế hoạt động của Hội nghị Chánh án ASEAN sẽ là cơ chế hợp tác hiệu quả và cùng với AIPA đóng góp thiết thực cho sự ổn định, phát triển và đoàn kết trong Cộng đồng ASEAN, vì mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội nghị
Sau phiên khai mạc, Hội nghị tiến hành các phiên làm việc chính thức và trao đổi về 6 chủ đề gồm: (i) Thể chế hóa Hội nghị Chánh án ASEAN, (ii) Hội nhập ASEAN, (iii) Xây dựng Cổng thông tin điện tử Tòa án ASEAN, (iv) Đào tạo tư pháp; (v) Quản lý vụ án và Công nghệ tại Tòa án, (vi) Tranh chấp gia đình xuyên biên giới. Đồng thời, Hội nghị còn thảo luận về các sáng kiến mới như: Thể chế hóa Hội nghị Chánh án ASEAN, Hội nhập ASEAN, tranh chấp trẻ em xuyên biên giới. Đây đều là những chủ đề được Tòa án các nước quan tâm.
Qua trao đổi, các đại biểu đều thống nhất tại Hội nghị lần này, đặt ưu tiên hàng đầu là chủ đề “Thể chế hóa Hội nghị Chánh án ASEAN”, để đưa cơ chế hợp tác trong ASEAN thực sự hiệu quả hơn, và xa hơn nữa là đưa hội nghị này ngang tầm với hội nghị của người đứng đầu cơ quan lập pháp, hành pháp của các nước trong khu vực.
Hội nghị cũng tập trung thảo luận các chủ đề quan trọng như “Hội nhập ASEAN” để chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực cải cách pháp luật và tư pháp, cùng nhau tìm ra những chuẩn mực chung của khu vực, hài hòa hóa pháp luật và thực tiễn tư pháp của các nước cho phù hợp với các chuẩn mực chung đó.