Khai mạc Hội nghị Cấp cao ACMECS 6: Nâng cao sức cạnh tranh của các nền kinh tế ACMECS

23/06/2015 14:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 23/6, Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 6 (HNCC ACMECS 6) đã diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị. 

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế của 5 nước đều đang khởi sắc, tăng trưởng tích cực và là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực Đông Nam Á. 

Khai mạc Hội nghị Cấp cao ACMECS 6: Nâng cao sức cạnh tranh của các nền kinh tế ACMECS

Các Trưởng đoàn chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN

Các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng thân thiện giữa năm quốc gia và thúc đẩy hợp tác ACMECS vì lợi ích của nhân dân năm nước, vì hòa bình và thịnh vượng tại khu vực. Các nhà lãnh đạo đã ghi nhận những tiến bộ đạt được trong triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2013-2015, đặc biệt trong kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa năm nước, phát triển các hành lang kinh tế liên quốc gia như Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía Nam (SEC), phát triển du lịch xanh và hợp tác nông nghiệp. 

Định hướng cho hợp tác thời gian tới, hội nghị đã thông qua Kế hoạch Hành động giai đoạn 2016-2018 với mục tiêu là nâng cao sức cạnh tranh của các nền kinh tế, đưa ACMECS thành điểm đến hàng đầu về đầu tư và du lịch, hình thành cơ sở sản xuất thống nhất trong khu vực ACMECS, đặc biệt ở các khu vực biên giới và tận dụng các cơ hội phát triển mới mà Cộng đồng kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các hiệp định thương mại tự do đem lại. 

8 lĩnh vực hợp tác ưu tiên được xác định gồm: tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, nông nghiệp, hợp tác công nghiệp và năng lượng, kết nối giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, y tế và hợp tác về môi trường. Các nhà lãnh đạo đánh giá cao vai trò và khuyến khích sự tham gia tích cực của khu vực doanh nghiệp và các đối tác phát triển trong thực hiện Kế hoạch hành động. Hội nghị cũng ủng hộ đề xuất của Việt Nam về nâng cao hiệu quả của hợp tác ACMECS. 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng qua hơn 10 năm hợp tác, ACMECS đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của mỗi quốc gia, củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa các nước thành viên, duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực. Những thành quả đạt được đã tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục thúc đẩy hợp tác nhiều mặt trong khuôn khổ ACMECS. 

Nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện quyết liệt các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “Việt Nam luôn coi trọng Hợp tác ACMECS và sẵn sàng cùng các nước thành viên, các đối tác phát triển triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác, vì sự phồn thịnh của mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả khu vực”. 

Về hợp tác trong giai đoạn tới, tái khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với hợp tác ACMECS, cũng như nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa các nước thành viên ACMECS, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ACMECS đặt trọng tâm vào 3 nội dung lớn như sau: 

Thứ nhất là thúc đẩy hợp tác về nông nghiệp, đây là lĩnh vực có tiềm năng và cũng là ngành sản xuất chiếm tỷ lệ lao động lớn nhất tại các nước ACMECS. Mục tiêu chính là: hỗ trợ các nước thành viên nâng cao năng suất lao động thông qua thu hút đầu tư, tạo quy mô kinh tế lớn hơn và áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại; phát triển ngành công nghiệp chế biến để tăng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp; hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp tại tiểu vùng và từng bước hội nhập vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. 

Nhấn mạnh kinh nghiệm của Thái Lan trong phát triển ngành công nghiệp chế biến, tiêu chuẩn hóa các ngành sản xuất nông nghiệp là rất hữu ích, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong Thái Lan và các nước tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp trong xây dựng thương hiệu vùng cho nông sản, thực hiện các chương trình nâng cao năng lực với đối tác phát triển và huy động đầu tư nước ngoài. Riêng hợp tác về gạo giữa các nước ACMECS nên đặc biệt chú trọng khâu sản xuất, chuyển giao công nghệ trước và sau thu hoạch. 

Thứ hai là tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại biên giới, đặc biệt là dọc các tuyến hành lang kinh tế tiểu vùng; thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận song phương và đa phương đã ký kết; phối hợp xây dựng các chính sách mới thúc đẩy thương mại, đầu tư và hình thành các tuyến vận tải mới kết nối năm nước. Đề nghị các nước sớm triển khai mô hình kiểm tra một lần dừng tại các cặp cửa khẩu dọc tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây và hành lang kinh tế phía Nam. 

Thứ ba là hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong, đặc biệt là trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, phối hợp thực hiện đánh giá chung về tác động môi trường xuyên biên giới. Bên cạnh nguồn nội lực, các nước ACMECS cần phối hợp cùng vận động hỗ trợ từ các đối tác trong triển khai các dự án hợp tác. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh để ACMECS hoạt động hiệu quả, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp tham gia các dự án hợp tác ACMECS, tăng cường đối thoại giữa Hội đồng kinh doanh ACMECS với đại diện Chính phủ nhằm bảo đảm kênh thông tin xuyên suốt và tính thiết thực của hợp tác ACMECS. 

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị, Kế hoạch hành động ACMECS 2016-2018 và nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao ACMECS 7 tại Việt Nam cùng thời gian tổ chức Hội nghị cấp cao 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV).

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Hội nghị Cấp cao ACMECS 6: Nâng cao sức cạnh tranh của các nền kinh tế ACMECS