Chính trị

Khắc phục tình trạng “quân xanh quân đỏ”, thông đồng trong đấu giá

Nguyên Bình 17/08/2023 - 06:49

Việc sửa luật phải khắc phục được những khó khăn, vướng mắc hiện tại và tình trạng "quân xanh quân đỏ", ép giá, thông đồng trong đấu giá… Là vấn đề được đại biểu đề cập đến tại phiên họp của UBTVQH thảo luận về Luật Đấu giá (sửa đổi) chiều 16/8.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về: tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền và nghĩa vụ, đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá để thực hiện chuyển đổi số theo lộ trình phù hợp.

Về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản bảo đảm phù hợp với thực tiễn, khả thi, có tính đến một số loại tài sản đấu giá đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch; về trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

img_3593-1692182208310.jpeg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp của UBTVQH diễn ra chiều 16/8.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, bán đấu giá tài sản là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ để không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong kinh doanh.

Dẫn chứng vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trúng đấu giá nhưng sau đó thì bỏ cọc; hay Nhà máy bột giấy Phương Nam - một trong những dự án yếu kém, thua lỗ.  Công ty định giá đưa ra giá hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng từ đó đến nay cũng không bán được. Nguyên nhân do tài sản bao nhiêu năm chỉ có thiết bị vật tư như sắt vụn, nhưng vì là dây chuyền sản xuất nên phải định giá theo nguyên tắc như dây chuyền sản xuất, không ai dám định giá như tài sản tồn kho của doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc sửa luật cần phải tính đến để khắc phục những khó khăn, vướng mắc như hiện nay. Giữa luật nội dung và luật hình thức cần quy định cụ thể ra sao để khắc phục điều đó.

Đối với việc đấu giá tài sản thi hành án, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nên chăng cần có quy định trình tự, thủ tục riêng bởi đây là loại hình đặc thù, khác với những hình thức tài sản khác, bán rất khó và mua cũng có rủi ro.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc sửa đổi luật phải khắc phục được những bất cập như Chủ tịch Quốc hội vừa nêu, đặc biệt sau việc đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm và ở một số địa phương khác; khắc phục tình trạng "quân xanh quân đỏ", ép giá, thông đồng trong đấu giá tài sản.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này cũng sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực đấu giá tài sản, như việc thí điểm đấu giá trực tuyến biển số xe ô tô...

img_3592-1692182124441.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp chiều 16/8.

Phát biểu giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, luật sửa lần này quan điểm và cách tiếp cận không có sự thay đổi so với luật hiện hành. Đây là luật thủ tục, luật hình thức thể hiện nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá, con người thực hiện quyền đấu giá và tổ chức hành nghề… Còn các vấn đề khác thể hiện và tuân theo ở luật chuyên ngành. Thực tế các quy định cơ bản đáp ứng được yêu cầu lâu nay.

Việc sửa luật lần này thắt chặt quy định liên quan trình tự thủ tục để tránh thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, nhất là khi phần lớn đấu giá liên quan đất đai, tài sản Nhà nước. Yêu cầu niêm yết quy chế đấu giá công khai; thời hạn niêm yết thế nào là hợp lý, bán tại nơi nào; xem xét kỹ cá điều kiện người tham gia đấu giá; hủy kết quả bán đấu giá tài sản; vấn đề liên quan tổ chức phiên đấu giá.

Liên quan phương thức đấu giá, Bộ trưởng cho biết, luật lâu nay vẫn quy định cả “đấu giá lên” và “đấu giá xuống” nhưng thực tế ở ta chưa có “đấu giá xuống”. Tài sản tư nhân có thể hạ xuống mức nào đó chấp nhận thì tổ chức, cá nhân họ quyết được, nhưng tài sản công đặt ra yêu cầu bán được và bán với giá tốt nhất thì ai có thể xác định hạ đến giá mức nào thì bán được, là điều rất khó.

Nhà máy bột giấy Phương Nam sở dĩ 3 lần không bán được do định giá cao quá. Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, cập nhật, nhưng muốn giải quyết việc này, cần phải đưa vào pháp luật chuyên ngành và quy định phải bán đấu giá.

Đối với trường hợp ở Thủ Thiêm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận, việc nâng tiền đặt trước lên một cách bất thường thì Luật Đấu giá tài sản "bất lực", mà phải xử lý bằng các công cụ pháp luật. Đây là vụ việc xử lý theo hình thức tiền đặt cọc, nguyên tắc áp dụng theo quy định pháp luật dân sự, nghĩa là đặt cọc nhưng không thực hiện nghĩa vụ của mình thì phải nộp lại. Chỗ Thủ Thiêm, quan điểm của chúng tôi, phải xử lý trong tập hợp một loạt văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, Bộ trưởng cho hay.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình xây dựng dự án Luật của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội. Trong đó, tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về hoạt động đấu giá tài sản; đồng thời chỉ rõ những bất cập, hạn chế để hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm thực chất, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực; rà soát, đánh giá kỹ tác động chính sách, điều khoản bổ sung để bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục tình trạng “quân xanh quân đỏ”, thông đồng trong đấu giá