Hiện có tới 50% doanh nghiệp đang “trốn” đóng bảo hiểm cho người lao động. Trên 5 triệu người chưa tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), tương ứng số thất thu khoảng 56 ngàn tỷ đồng/năm.
Nguy cơ vỡ quỹ BHXH
Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành, đến năm 2021, quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam sẽ mất cân đối thu chi, buộc phải lấy từ nguồn kết dư để chi trả. Tuy nhiên, đến năm 2034, phần kết dư này cũng không còn, dẫn đến khả năng vỡ quỹ và khi đó, người lao động sẽ không nhận được lương hưu.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Văn Dũng cho biết, hiện có trên 300.000 đơn vị đang hoạt động, cơ quan BHXH chỉ quản lý được gần 150.000 đơn vị đăng ký tham gia BHXH, như vậy, có đến 50% số doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Nếu không có biện pháp buộc chủ sử dụng lao động tuân thủ pháp luật về BHXH thì mục tiêu đến năm 2020 sẽ khó đạt được trên 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.
Về số lượng lao động đóng bảo hiểm, theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là khoảng 16 triệu người, trong đó đối tượng đang tham gia BHXH là gần 11 triệu người, chiếm 68,8% số người phải tham gia. Còn trên 5 triệu người chưa tham gia BHXH, tương ứng số thu BHXH, BHYT khoảng 56 ngàn tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, mức lương đóng BHXH mà chủ doanh nghiệp đóng cho người lao động ở mức rất thấp, thường đóng theo mức lương cơ bản nên rất thấp, trong khi thực tế thu nhập cao hơn nhiều. Chỉ tính riêng khoản chênh lệch này tính ra mỗi năm BHXH thất thu khoảng 24 ngàn tỷ đồng nữa.
Bộ phận "một cửa" của BHXH TP.Hà Nội
Ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu bảo hiểm xã hội (BHXH) VN, cho biết: Tổng số nợ bảo hiểm xã hội năm 2013 là hơn 4.700 tỉ đồng, nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm nay đã lên đến hơn 11.000 tỉ đồng. Còn tới thời điểm hiện tại là trên 12.500 ngàn tỷ đồng.
Nợ đọng đang diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp (DN) làm ăn có lãi vẫn chậm đóng. BHXH đã khởi kiện hơn 2.000 DN ra tòa, nhưng có DN tòa gọi 3 lần vẫn không có mặt.
Tăng thêm quyền cho BHXH
Theo các chuyên gia, những kẽ hở về luật pháp đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội nhưng không bị trừng phạt thích đáng. Thậm chí, số tiền chậm đóng còn được sử dụng như một nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp vì lãi chậm đóng thấp hơn lãi suất khi đi vay vốn từ các ngân hàng.
Hiện nay, những vi phạm trong việc chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội mới chỉ được quy định là hành vi vi phạm hành chính với mức xử phạt không có sức răn đe. Thậm chí, việc xử lý vi phạm trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng chưa được quy định rõ trong luật.
Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra lại không được quyền xử phạt, chỉ được lập biên bản kiến nghị lên cấp có thẩm quyền nên việc xử lý chậm và không có tính răn đe. Vì thế, trong 6.000 đơn vị bị đề nghị xử phạt, mới chỉ có khoảng 900 đơn vị bị phạt hành chính.
Trước thực trạng trên, BHXH đã tính toán và đề xuất một loạt giải pháp đồng bộ trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, quan trọng là xây dựng lực lượng thanh tra chuyên ngành, trao thêm công cụ cho bảo hiểm xã hội tổ chức thực hiện chế độ, chính sách, quản lý, sử dụng quỹ một cách hiệu quả.
Ngoài ra, để khắc phục tình trạng nợ đọng ngày càng phổ biến, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã đề xuất tăng mức lãi suất chậm đóng lên gấp 2 lần lãi suất liên ngân hàng để doanh nghiệp không chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Vừa qua, BHXH Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến bổ sung tội danh về BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đại diện BHXH Việt Nam đề nghị phải quy định tội chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vào Luật Hình sự, chứ không đơn thuần là vi phạm hành chính mới đủ sức răn đe và đề xuất trao quyền phát mại tài sản khi doanh nghiệp phá sản hoặc bỏ trốn… cho cơ quan bảo hiểm xã hội để xử lý chế độ bảo hiểm cho người lao động.
Nhiều đại biểu thống nhất, nếu chỉ sử dụng các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH sẽ không hạn chế được tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài và ngày càng gia tăng trong nhiều năm nay. Do đó, việc bổ sung tội danh về BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là biện pháp mạnh, mang tính răn đe nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của đối tượng.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, khi đưa tội danh này vào Bộ luật Hình sự, sẽ không chặn đứng ngay được tình trạng vi phạm chính sách BHXH, BHYT, nhưng chắc chắn sẽ từng bước hạn chế tình trạng này.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh khẳng định, sự cần thiết phải đưa 4 tội danh vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi). BHXH Việt Nam sẽ tiến hành rà soát 2 nhóm hành vi vi phạm còn lại (nhóm hành vi vi phạm quyền thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT và nhóm hành vi vi phạm liên quan đến việc quản lý và thực hiện BHXH, BHYT), đã được được điều chỉnh trong các luật chưa, để từ đó tiếp tục hoàn thiện chính sách.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học "Vấn đề thu, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - Thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế" mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, thời gian tới cần phải hoàn thiện cơ chế chính sách để các doanh nghiệp thể hiện và phát huy đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động; hoàn thiện các chế tài trong lĩnh vực BHXH và BHYT; khuyến khích nhân dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện các chính sách bảo hiểm; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị bảo vệ quyền lợi cho người lao động; tăng cường nguồn lực của Nhà nước, đảm bảo chính sách an sinh xã hội…
|