Chiều 19/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì cuộc họp tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Ban.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Phó trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, cải cách thủ tục hành chính được xác định là khâu đột phá trong năm 2015 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến tháng 12/2015, các Bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa 4.481/4.723 thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 nghị quyết chuyên đề (đạt 94,87%). Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế, hải quan để thực thi đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian thực hiện theo đúng các mục tiêu nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 19/NQ-CP. Trong lĩnh vực hải quan, thời gian thông quan hàng hóa giảm bình quân từ 21 ngày xuống 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu. Trong lĩnh vực thuế, đến nay tổng số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế giảm 420 giờ (từ 537 giờ xuống còn 117 giờ).
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Các quy trình thủ tục hải quan đã được tự động hóa ở mức độ rất cao; có hệ thống tự động xử lý, phân luồng và phản hồi cho doanh nghiệp, ra quyết định thông quan hàng hóa…Với việc thiết lập cơ chế một cửa quốc gia về hải quan với 9 bộ, ngành, thí điểm cơ chế một cửa ASEAN về hải quan đã rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa và người làm thủ tục hải quan. Hiện nay, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với hàng hóa ở luồng xanh chỉ từ 3 - 5 giây, hàng hóa ở luồng vàng thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ làm việc. Giấy tờ trong bộ hồ sơ hải quan được giảm thiểu nhờ việc sử dụng chữ ký số, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường tính minh bạch trong quá trình làm thủ tục hải quan. Việc triển khai Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) đã góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, đưa thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam đến cuối năm 2015 ngang bằng các nước ASEAN 6.
Cùng với cải cách thủ tục hành chính, nhiều đại biểu cho rằng việc cải cách thể chế, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định cải cách hành chính quyết liệt với nhiều đột phá đã góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường sự tin tưởng của nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng vẫn còn tình trạng văn bản quy định chi tiết không được ban hành cùng thời điểm có hiệu lực của luật, gây khó khăn trong triển khai thi hành đồng bộ các luật, pháp lệnh khi có hiệu lực. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Đào Quang Thu đánh giá công tác cải cách thể chế còn nhiều vấn đề, mỗi Bộ, ngành có mục tiêu riêng nên vẫn còn có quy định không thuận lợi, không vì cái chung. Thủ tục đưa ra thì hay nhưng đến cơ sở chậm và vướng khiến người dân bức xúc. Văn bản quy phạm xây dựng nhiều nhưng thực thi còn nhiều bất cập. Ban chỉ đạo cần tăng cường chỉ đạo tập trung, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Điều này cũng được thể hiện ở báo cáo của Ban chỉ đạo, đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa chặt chẽ, dẫn đến còn có sự thiếu thống nhất trong các văn bản pháp luật, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện.
Dẫn chứng cụ thể của Ban chỉ đạo cho thấy Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 07/8/2015 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp vừa qua quy định việc tiếp nhận hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh không thống nhất với Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg về Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cải cách hành chính là một trong 4 công cuộc cải cách lớn mà Đại hội Đảng lần thứ X và XI đã đề ra, đó là cải cách tư pháp, cải cách giáo dục, cải cách tiền lương và cải cách hành chính. Sự nghiệp đổi mới đã khó, cải cách còn khó hơn, cần phải thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra quyết liệt ngay từ đầu, doanh nghiệp phải phục vụ nhân dân tốt hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn.
Phó Thủ tướng ghi nhận các thành viên Ban chỉ đạo, đặc biệt là Bộ Nội vụ với vai trò là cơ quan thường trực đã tập trung chỉ đạo sát sao kế hoạch hoạt động năm 2015, các lĩnh vực cải cách hành chính đạt kết quả tốt, đồng bộ. Việc này góp phần công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại, quốc phòng an ninh của đất nước, thiết lập kỉ cương, kỉ luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, công tác cải cách thể chế đạt nhiều kết quả với việc ban hành 27 đạo Luật, hàng trăm nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành; nhiều đề án, dự án được triển khai thực hiện như: Đề án mã số công dân, Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân. Việc rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn quy trình thủ tục hành chính đã tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp.
Về nhiệm vụ năm 2016, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính, tiếp tục cải cách mạnh hơn nữa thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong công tác cải cách hành chính.
Nhấn mạnh công tác cải cách thể chế là rất quan trọng, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ Luật tổ chức Chính phủ và Luật chính quyền địa phương có hiệu lực từ 1/1/2016, trong đó chú ý về nguyên tắc phân cấp ủy quyền giữa Trung ương và địa phương, bãi bỏ, sửa đổi những quy định bất hợp lý về chính quyền địa phương, khắc phục những tồn tại, chồng chéo, trong đó có cả tổ chức bộ máy của Chính phủ nhiệm kỳ mới, việc tổ chức Bộ đa ngành, đa lĩnh vực... Đề án cơ cấu Chính phủ đã được Chính phủ thảo luận, Bộ Nội vụ cần chuẩn bị sớm, chất lượng Đề án, tiến độ Đề án phải bảo đảm. Chính phủ hoàn thành tốt nhiệm vụ không chính là do bộ máy tổ chức Chính phủ - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương kiên trì mục tiêu cải cách thủ tục hành chính; hợp lý hóa quy trình giải quyết công việc, bảo đảm thực hiện cam kết các hiệp định thương mại tự do đã ký cũng như phù hợp với tiến trình hình thành Cộng đồng ASEAN, tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, công khai minh bạch thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Phải có thêm một Nghị quyết số 19 năm 2016 để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, là công bộc của nhân dân, thái độ phục vụ người dân phải tốt hơn; nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, triển khai mô hình trung tâm dịch vụ hành chính công; xã hội hóa dịch vụ công, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Một nền hành chính gắn với Chính phủ điện tử, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm hiệu quả, kịp thời, công khai minh bạch là rất quan trọng, không để công dân phải đi lại nhiều lần, tốn kém thời gian, chi phí – Phó Thủ tướng chỉ rõ.