Khả năng tiếp cận công lý của người dân thông qua Tòa án đã được tăng cường

TS. Đinh Thế Hưng - Viện Nhà nước và Pháp luật| 12/09/2019 11:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW về cải cách tư pháp (CCTP), các cơ quan tư pháp, trong đó Tòa án đã có kết quả đáng kể trong công tác này.

Tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức tư pháp được nâng lên, sự quan tâm của người dân đối với hoạt động của Tòa án và khả năng tiếp cận công lý của người dân qua con đường Tòa án đã được tăng cường.

Nên bổ sung thêm một số mục tiêu cải cách tư pháp

Mục tiêu, quan điểm cải cách tư pháp đến năm 2020 đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết 49-NQ-TW về CCTP là “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”.

Cải cách tư pháp trong đó có cải cách hệ thống Tòa án trong thời gian qua đã thực sự tạo ra bước chuyển biến đột phá cho các bộ phận hợp thành hệ thống tư pháp trước hết nó đã tạo ra “luồng sinh khí mới” cho toàn bộ các bộ phận cấu thành hệ thống tư pháp trong đó có Tòa án.

 Cũng chính từ thay đổi về nhận thức, hoạt động tư pháp đã đảm bảo được tính dân chủ của hoạt động Tòa án, liêm chính của đội ngũ cán bộ Tòa án, tính nghiêm minh, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động tư pháp, uy tín của Tòa án được củng cố và tăng cường. Chính vì vậy, CCTP trong thời gian tới cần bổ sung mục tiêu chung là “xây dựng, củng cố uy tín của hệ thống tư pháp nói chung và hệ thống Tòa án nói riêng đối với xã hội” như là một trong mục tiêu chính bên cạnh các mục tiêu mà Nghị quyết 49-NQ/TW đã đặt ra.

CCTP về hệ thống Tòa án phải đặt trong tổng thể cải cách chính trị, thể chế chính trị và hệ thống chính trị trong bối cảnh tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền, nội dung cốt lõi là tăng dân chủ và đảm bảo công bằng. Nghị quyết 49-NQ/TW đã đề ra, quan điểm “Cải cách tư pháp và Tòa án phải gắn với công tác cải cách lập pháp, cải cách hành chính”. Các quan điểm này vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị.

Khả năng tiếp cận công lý của người dân thông qua Tòa án đã được tăng cường

 Ảnh minh họa

Tuy nhiên trong thời gian tới, CCTP và Tòa án phải đặt trong tổng thể mục tiêu, quan điểm và nhiệm vụ của việc tiếp tục cải cách chính trị, cải cách thể chế chính trị và hệ thống chính trị với nguyên tắc không thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng sản và tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, phục vụ nhân dân, đảm bảo ổn định chính trị. Dân chủ hóa hoạt động tư pháp và Tòa án, bảo đảm sự bình đẳng của các bên trong tố tụng hình sự, triệt để tôn trọng quyền con người, quyền công dân trong hoạt động của Tòa án là xu hướng không thể đảo ngược hệ thống tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

 Tính dân chủ trong hoạt động tư pháp thể hiện ở việc Tòa án kịp thời phục vụ người dân, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của họ bằng thủ tục giản tiện, chi phí thấp, dễ tiếp cận. Tính dân chủ trong hoạt động của Tòa án gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người - một trong những nhiệm vụ của Tòa án nhân dân mà Hiến pháp 2013 đã ghi nhận.

Tòa án cần có khả năng giải quyết tất cả các tranh chấp

Nghị quyết 49-NQ/TW đã đề ra 5 phương hướng và 7 nhóm giải pháp, tập trung vào các nội dung như cải cách pháp luật nội dung (hình sự, dân sự, hành chính...) và pháp luật tố tụng; cải cách tổ chức các cơ quan tư pháp và các chế định bổ trợ tư pháp; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp; phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của công luận, của nhân dân và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tư pháp và cơ quan tư pháp. Từ nay đến năm 2030, các định hướng này cần có sự điều chỉnh theo hướng nhấn mạnh những phương hướng trọng tâm, trọng điểm gắn với cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án.

Thứ nhất, tập trung nghiên cứu lý luận cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng chính sách pháp luật nhằm đảm bảo cho Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền, với nhiệm vụ mới là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người theo tinh thần Hiến pháp 2013. Quyền tư pháp không chỉ là quyền xét xử mà còn bao gồm những quyền khác phái sinh từ quyền xét xử do Tòa án và chỉ do Tòa án thực hiện, bởi nó gắn với xét xử đó là quyền giải thích pháp luật, quyền kiểm soát các quyền lực nhà nước khác bằng việc xét xử. Cũng từ đó, xét xử là việc của hệ thống Tòa án nhưng Tòa án không chỉ có xét xử mà thực hiện các quyền khác mang tính chất tư pháp như giải thích pháp luật, bảo hiến, kiểm soát các quyền khác.

Phương hướng trong thời gian tới cần tập trung nghiên cứu nhằm đưa ra mô hình, phương pháp giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp và Tòa án; tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát. Nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện cơ chế giám sát xã hội đối với Tòa án và các cơ quan tư pháp bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả.

Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, do đó tiếp cận công lý được thừa nhận là quyền con người trong nhà nước pháp quyền. Chính vì vậy, khoa học pháp lý cần tập trung nghiên cứu vào làm sáng tỏ nội hàm của khái niệm quyền tiếp cận công lý, nhiệm vụ của hệ thống tư pháp nói chung và Tòa án nói riêng bảo đảm quyền này cho người dân ở các khía cạnh khác nhau; thực trạng thực hiện quyền tiếp cận công lý; vai trò, nhiệm vụ của Tòa án, các cơ chế, giải pháp nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công lý ở Việt Nam.

Thứ hai, Nghị quyết 49-NQ/TW có nêu phương hướng cải cách chính sách pháp luật làm nền tảng cho tổ chức và hoạt động của Tòa án. Trong gần 20 năm qua, cải cách tư pháp đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ này bằng việc xây dựng hệ thống pháp tương đối toàn diện, đầy đủ bắt đầu từ Hiến pháp 2013 và các đạo luật quan trọng lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế và pháp luật về tố tụng tư pháp. Phương hướng xây dựng và hoàn thiện pháp luật về CCTP và Tòa án cần tiếp tục triển khai là cụ thể hóa nội dung, tinh thần của Hiến pháp 2013 liên quan đến tổ chức và hoạt động Tòa án.

Nội dung cần cụ thể hóa đó chính là đưa các nguyên tắc của tư pháp trong nhà nước pháp quyền vào đạo luật cụ thể. Vấn đề bức xúc và cũng là vấn đề quan trọng mà thực tiễn gần đây và chắc trong thời gian tới đòi hỏi ngành Tòa án phải giải quyết đó chính là thực hiện pháp luật như thế nào. Pháp luật là đại lượng được khái quát trừu tượng ở mức độ cao nhất nhưng lại dùng để áp dụng cho những trường hợp rất cụ thể và không giống nhau trong cuộc sống.

Với đặc thù là cơ quan thực hiện quyền tư pháp mà trong tâm là hoạt động xét xử, Tòa án có vai trò quan trọng trong việc áp dụng pháp luật đồng thời thông qua áp dụng pháp luật và giải thích pháp luật. Chúng tôi cho rằng, pháp luật đi vào cuộc sống, người dân và bạn bè quốc tế đánh giá, nhìn nhận hệ thống pháp luật của chúng ta qua nhiều kênh khác nhau, trong đó quan trọng nhất là nhìn vào các bản án, quyết định của Tòa án. Uy tín của ngành Tòa án, nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người… cũng được thể hiện trong bản án, quyết định của Tòa án.

Trọng tâm của CCTP được xác định là Tòa án; trọng tâm của cải cách Tòa án là đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án. Trong thời gian qua, đội ngũ Thẩm phán đã được quan tâm, xây dựng. Ngoài năng lực, trình độ, đạo đức đối với người Thẩm phán, một nền tư pháp trong sạch trong Nhà nước pháp quyền còn đòi hỏi sự liêm chính. Tòa án tối cao đã ban hành Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán, do vậy, việc thực hiện có hiệu quả và thực chất Bộ quy tắc này rất quan trọng.

Trước mắt cần mở rộng, đa dạng hóa phương thức, cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tòa, đảm bảo Tòa án có đủ khả năng giải quyết tất cả các loại tranh chấp trong xã hội, coi trọng hòa giải, thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên... Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý tại Tòa,  xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khả năng tiếp cận công lý của người dân thông qua Tòa án đã được tăng cường