Kết quả thực nghiệm các môn học: Nội dung không “đáng sợ” bằng phương pháp

Ngô Chuyên| 04/05/2018 12:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo như kết quả thực nghiệm và khảo sát ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông mới thì nhiều tiết học vẫn chưa thành công, rơi vào tình trạng quá tải.

Nhiều tiết học quá tải

Cụ thể tại buổi hợp công bố kết quả thực nghiệm, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho hay, đợt thực nghiệm cho thấy một số môn học vẫn thiên về trang bị kiến thức, trong quá trình học vẫn có những chương, mục, nội dung mang tính hình thức. Vẫn còn tình trạng quá tải, đặc biệt là về lượng.

Kết quả thực nghiệm các môn học: Nội dung không “đáng sợ” bằng phương pháp

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh Ngô Chuyên.

Trong khoảng thời gian cho phép một tiết học nhưng vẫn đòi hỏi học sinh làm nhiều việc quá, dẫn đến thiếu thời gian.

Bên cạnh đó, GS Thuyết chia sẻ những thành công mà chương trình môn học mới mang lại là nhiều tiết học thành công vì thầy cô nắm vững được nội dung vấn đề, đặc biệt có phương pháp đổi mới và bài soạn cũng vừa đủ thời lượng, nội dung không quá tải, quá sức với cả thầy và trò.

Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới đánh giá, ở nơi nào học sinh đã quen và chủ động tìm hiểu khám phá kiến thức, luyện tập và vận dụng thì tiết học diễn ra tốt.

Giáo viên nào đầu tư cho bài giảng, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì tiết học cũng hiệu quả hơn. Giữa các cấp học cũng có sự khác biệt về đội ngũ giáo viên, cụ thể là thầy cô tiểu học tôi đánh giá là có sự tích cực rõ nét trong đổi mới, trong khi đó khối giáo viên trung họ bị cuốn hơi nhiều thời gian vào các kỳ thi nên không có sự chú tâm bằng.

“Qua đợt này, chúng tôi càng nhận thấy rõ với đội ngũ giáo viên là nội dung không “đáng sợ” bằng phương pháp. Nếu thầy cô giáo có phương pháp để làm cho tiết học sinh động, nhẹ nhàng hơn thì nội dung bài học rõ ràng rất tốt”, GS Thuyết nói.

Sẽ có những thay đổi để khắc phục hạn chế gặp phải trong quá trình thực nghiệm

Theo kinh nghiệm các nước, ngay trong quá trình soạn thảo sách là thử nghiệm luôn để điều chỉnh kịp thời các nội dung.

Kết quả thực nghiệm các môn học: Nội dung không “đáng sợ” bằng phương pháp

Ảnh minh họa. Hải Nam.

“Theo đó, đối với chương trình mới, bộ sách giáo khoa mà Bộ phải chịu trách nhiệm biên soạn thì chúng tôi đã kiến nghị, tham mưu là bộ chỉ đạo trực tiếp phần thực nghiệm”, GS. Thuyết cho biết.

Còn các tổ chức cá nhân khác thì phải tự tổ chức thực nghiệm sách mà họ biên soạn, Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ các đơn vị này cách thức thực nghiệm cũng như kết nối các đầu mối.

GS Thuyết chia sẻ thêm: “Công việc hiện tại chúng tôi đang tập trung làm là hoàn thiện chương trình, việc thức đến 2 – 3h sáng để trao đổi mail với nhau là chuyện bình thương. Sau khi hoàn thiện, chúng tôi sẽ chuyển đến hội đồng quốc gia thẩm định. Sau khi hội đồng thẩm định có ý kiến, nếu thuận lợi thì thông qua, nhưng tôi nghĩ để được thông qua, cũng phải “bật lên bật xuống”, nhanh thì cũng phải một tháng, sau đó Bộ trưởng mới ký quyết định ban hành. Nếu chỉ cần một chương trình môn học được thông qua thì Bộ trưởng khó ban hành được”.

Một điều mà được ban soạn thảo chương trình mới nhấn mạnh là công tác tập huấn cho giáo viên. Lâu nay, thầy cô giáo thường có một đặc điểm là ít quan tâm đến chương trình, mà chủ yếu chỉ chú ý đến sự thay đổi nội dung sách giáo khoa thôi. Nhưng giờ cái lõi là chương trình nên tập huấn chủ yếu là về chương trình.

“Chúng tôi đang tích cực hoàn thiện chương trình lớp một. Chỉ có 6 môn học thôi nên cũng không quá khó để hoàn thiện khâu viết sách trong khoảng hơn 1 năm tới. Cố gắng để chương trình ban hành kip thời, trong đó phụ thuộc một phần vào tiến độ của đội ngũ viết sách”, GS Thuyết cho hay.
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết quả thực nghiệm các môn học: Nội dung không “đáng sợ” bằng phương pháp