Kinh tế

Kết nối giao thương sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023

Trần An 11/12/2023 - 21:51

Ngày 11/12, tại Cà Mau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN &PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại vùng ĐBSCL liên kết cùng phát triển Cà Mau.

Dự hội nghị có ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau; 43 doanh nghiệp (gồm 24 nhà thương mại, siêu thị, sàn thương mại điện tử và 19 doanh nghiệp đầu vào, doanh nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp công nghệ) và hơn 100 chủ thể OCOP vùng ĐBSCL tham dự.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, cả nước đã có trên 10.800 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của trên 5.600 chủ thể OCOP; trong đó có 37,9% là hợp tác xã (HTX), 24% là doanh nghiệp, 35,2% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương.

Riêng khu vực ĐBSCL, đến nay đã có trên 2.000 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (chiếm 18,8% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước), với 922 chủ thể OCOP; trong đó bao gồm: 28,5% là doanh nghiệp, 18,9% là HTX và 52,4% là các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

1-3-.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau hiện nay đã có 145 sản phẩm được công nhận OCOP; trong đó có 32 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP đã tiêu thụ qua nhiều kênh bán hàng như điểm giới thiệu và bán sản phẩm đặc sản, đặc trưng OCOP gắn với các khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Một số sản phẩm được đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Đồng thời, một số sản phẩm đã được kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đặc biệt, 100% các sản phẩm OCOP tỉnh đều được đưa lên trang sàn thương mại điện tử của tỉnh.

“Sau khi được công nhận, để đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu của thị trường, các chủ thể đã chủ động mở rộng vùng nguyên liệu, đầu tư nhà xưởng, nâng cấp trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Qua kết quả khảo sát cho thấy các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận có doanh thu tăng khoảng 10-30%, hầu hết giá bán sản phẩm tăng 20%, cá biệt có một số sản phẩm giá bán tăng 25-30%, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 600 người lao động với mức lương dao động từ 3-5 triệu đồng/tháng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin thêm.

img_20231210_180927.jpg
Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại sự kiện Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số sản phẩm được các chủ thể là công ty, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm khá tốt. Còn lại hầu hết các sản phẩm của chủ thể là HTX, tổ hợp tác hay hộ sản xuất kinh doanh cá thể không làm tốt khâu quan trọng này. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực quản trị, điều hành hoạt động sản xuất còn hạn chế, khó khăn trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin...

Tại hội nghị, các đại biểu tham gia đóng góp nhiều ý kiến xung quanh vấn đề giao thương kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại cùng với các hoạt động chia sẻ, kết nối giữa các bên, góp phần hỗ trợ tích cực cho các chủ thể OCOP tỉnh Cà Mau nói riêng, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung cùng với các địa phương khác trên toàn quốc tìm được cơ hội hợp tác, xây dựng kênh liên kết, tiêu thụ ổn định thông qua các hệ thống siêu thị và các nhà phân phối, thương mại.

2-1-.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, hoạt động xúc tiến thương mại cũng đã được các địa phương trong vùng quan tâm, chỉ đạo triển khai, bằng chứng là nhiều hội chợ, lễ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình vai trò như một “đại sứ” của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang nhiều tính nhân văn.

“Sản phẩm OCOP đã và đang đáp ứng được nhu cầu của thị trường về tiêu dùng các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương. Phát triển các sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương. Sản phẩm OCOP đang mở ra tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời, góp phần không nhỏ trong việc quảng bá giá trị văn hóa, du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các địa phương”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối giao thương sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023