Công nghệ

Kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ CNTT phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số

Thanh Phương 19/10/2023 - 10:37

Ngày 19/10, tại Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số khu vực miền Trung.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh miền Trung; lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT).

daibieu.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Về phía tỉnh Thanh Hóa có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quang Hải; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Hữu Quyết; cùng lãnh đạo các địa phương, đơn vị.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu đã đến dự các sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

ongliem.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm phát biểu khai mạc

Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng; toàn tỉnh có 112 km đường biên giới, 102 km đường biển, diện tích gần 11.000 km2, dân số khoảng 3,7 triệu người Thanh Hóa đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc và là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa xã hội của Việt Nam.

Trong những năm qua, nhất là trong 9 tháng đầu năm 2023, với sự đoàn kết, chủ động, nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tỉnh Thanh hóa đã triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, góp phần làm cho kinh tế tăng trưởng khá.

kyketht.jpg
Các đơn vị ký kết hợp đồng hợp tác chuyển đổi số

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng ước đạt 7,72%, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố, thu ngân sách ước đạt 28.728 tỷ đồng, thu hút được 69 dự án đầu tư trực tiếp với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 26.744,1 tỷ đồng và 187,4 triệu USD; đã tiếp nhận 11 chương trình, dự án, phi dự án viện trợ không hoàn lại với tổng vốn khoảng 5,64 triệu USD. Công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt được nhiều kết quả tích cực.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là tỉnh thứ 4 cả nước được phê duyệt quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh đạt kết quả tích cực; ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, quyết liệt; Thanh Hóa đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chuyển đổi số năm 2022.

thutruongdung.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội thảo

Thanh Hóa xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay. Với tinh thần thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số và làm sao để người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia, đồng hành vào quá trình chuyển đổi số.

“Hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ CNTT phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số khu vực miền Trung là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội hợp tác, tư vấn những giải pháp, công nghệ, sản phẩm mới nhất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt chúng tôi mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông giới thiệu, chia sẻ các giải pháp hay, các ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn để góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng như trên địa bàn các tỉnh khu vực miền Trung”, ông Liêm nói.

khaitruongungdungso.jpg
Khai trương ứng dụng chuyển đổi số Thanh Hoá

Phát biểu tại Hội thảo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho hay, công nghiệp CNTT đang khẳng định vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đã được khẳng định trong các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Năm 2022, doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8% so với năm 2021; Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 117 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021; Lao động trong lĩnh vực công nghiệp ICT: 1.200.000 người, tăng 6% so với năm 2021; Nộp ngân sách: 40.000 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2021; trên toàn quốc hiện có 06 khu CNTT tập trung và các thành viên chuỗi Khu Công viên phần mềm Quang Trung.

Điều này khẳng định, lĩnh vực công nghiệp CNTT có vai trò quan trọng, đóng góp lớn vào GDP của đất nước nói chung và đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương nói riêng. Thanh Hóa cũng như các địa phương miền Trung cần xác định phát triển công nghiệp ICT là cơ hội để đẩy đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế-xã hội nhanh hơn, hiệu quả cao hơn và bền vững hơn.

Lực lượng sản xuất có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế. Khi KHCN phát triển mạnh mẽ, đã và đang trở thành lực lượng sản xuất chính, trực tiếp thì lực lượng sản xuất ngày một thay đổi cả về chất, lẫn về lượng. Công nghệ số sẽ là lực lượng sản xuất hàng đầu cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển, ứng dụng và làm chủ được công nghệ số sẽ đóng vai trò then chốt trong quyết định vị thế, sức mạnh của các quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế trong mọi lĩnh vực.

Hiện nay, lực lượng sản xuất đang có những biến đổi to lớn từ người lao động đến tư liệu sản xuất. Sự biến đổi của lực lượng sản xuất đã kéo theo sự thay đổi, cách vận hành của nền kinh tế. Nền kinh tế “truyền thống” đã được thay thế một cách phổ biến bằng “kinh tế số”.

Để giải quyết các bài toán chuyển đổi số thì các sản phẩm, dịch vụ nền tảng số Make in Viet Nam chính là động lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Chính vì vậy, nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp của UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo này.

Make in Viet Nam là một chủ trương, định hướng sáng tạo lớn để khơi dậy nội lực, khát vọng của đất nước phát triển trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong những năm qua, Make in Viet Nam đã tạo một luồng sinh khí mới, năng lượng tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số trong công cuộc đổi mới lần 2 - chuyển đổi số quốc gia.

Chuyển đổi số quốc gia với sứ mệnh tạo động lực mới cho phát triển lực lượng sản xuất, tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa xã hội, góp phần đưa đất nước tiến lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để Việt Nam hùng cường, phồn thịnh.

Tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận đồng thời giới thiệu các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam một cách hết sức thiết thực, cụ thể, phục vụ cho sự phát triển của Thanh Hóa nói riêng cũng như phát triển khu vực miền Trung, góp phần triển khai thực hiện thành công các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi số và công nghiệp ICT Make in Viet Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ CNTT phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số