Ngày 6/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức "Hội chợ việc làm kết nối cung cầu về đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn”.
Hội chợ nhằm thực hiện Nghị quyết số 37 của Ban Cán sự đảng Bộ NN&PTNT về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả của đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành NN&PTNT đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030”.
Hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo 28 trường Cao đẳng và 4 trường Đại học trực thuộc Bộ NN&PTNT.
Hợp tác trong đào tạo - giải pháp bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế của ngành.
Các trường thuộc Bộ đã có nhiều nỗ lực và áp dụng các giải pháp sáng tạo, linh hoạt để thu hút học sinh, sinh viên, nhất là việc thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các viện, trường với cơ quan, doanh nghiệp. Việc thiết lập mối quan hệ cung cầu nhân lực đã giúp định hướng nghề nghiệp và thu hút tuyển sinh.
Trên cơ sở chuẩn đầu ra, một số trường đã phối hợp xây dựng chương trình bảo đảm linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Bộ NNPTNT đề nghị các cơ sở đào tạo nâng cao nhận thức về vai trò và lợi ích của việc hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học với các doanh nghiệp. Đây được xem là giải pháp quan trọng bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của mỗi trường trong thời kì 4.0.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, từ năm 2016 đến nay đã có hơn 4.300 thoả thuận hợp tác được ký kết về đào tạo nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp với các trường của bộ. Trung bình mỗi trường, mỗi năm có khoảng 16 thoả thuận hợp tác.
Việc hợp tác với doanh nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực cho các trường, giúp các trường có thêm nguồn lực quan trọng trong đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng quản trị; tận dụng các máy móc, trang thiết bị, sở sở vật chất và các nguồn lực doanh nghiệp phục vụ giảng dạy. Qua đó cũng giúp nâng cao tinh thần khởi nghiệp và mở rộng cơ hội việc làm sau khi ra trường cho học sinh, sinh viên.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đào tạo giờ không chỉ phục vụ cho các ngành nông nghiệp truyền thống mà cho cả các ngành phục vụ cho nông nghiệp theo hướng đa giá trị, kinh tế nông nghiệp.
“Cần xã hội hóa đào tạo, kết hợp các doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và tuyển dụng. Các cơ sở đào tạo đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Tham gia hội chợ với nhu cầu tuyển sinh, bà Trần Thị Hiền, Giám đốc Kinh doanh của Tập đoàn Hải Phong chia sẻ, doanh nghiệp tuyển dụng đa dạng các ngành hàng, nhưng riêng nông nghiệp thường là kỹ thuật, thực phẩm, khách sạn, nhà hàng… Mỗi năm đơn vị thường đưa khoảng 1.000 – 1.200 sinh viên cao đẳng và đại học sang Nhật Bản học tập và làm việc. Chất lượng các sinh viên được đào tạo tại Việt Nam cũng tương đương và đáp ứng được với nhu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản.
Trước nhu cầu cao của thực tiễn, ông Trần Hoàng Dũng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và việc làm, Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm (tại Đà Nẵng) cho biết, trường đang chú trọng đào tạo về công nghệ thực phẩm, kỹ thuật chế biến món ăn, công nghệ sinh học nông nghiệp…
Về đầu ra sinh viên, ông Trần Hoàng Dũng cũng thông tin, trường đảm bảo 100% sinh viên ra trường có việc làm bằng việc liên kết, hợp tác với nhiều doanh nghiệp. Các sinh viên được đào tạo là theo đặt hàng của doanh nghiệp. Do đó, việc đào tạo đã được gắn với thực hành để bảo đảm yêu cầu doanh nghiệp. Sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp để khi ra trường có thể làm việc luôn tại doanh nghiệp đó.
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trong giáo dục nghề nghiệp, các trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều nỗ lực và áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo linh hoạt để thu hút học sinh, sinh viên. Việc thiết lập mối quan hệ khăng khít cung cầu nhân lực đã giúp định hướng nghề nghiệp và thu hút tuyển sinh.
Trên cơ sở chuẩn đầu ra, một số trường đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng chương trình bảo đảm linh hoạt hơn phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Những nỗ lực, kết quả trên đã đóng góp quan trọng vào việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, góp phần quan trọng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Sinh viên cần trang bị "3 điều"
Trong khuôn khổ Hội chợ, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Tọa đàm giữa các trường, doanh nghiệp và đại diện cơ quan quản lý về kết nối cung cầu nhân lực, hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed khẳng định, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nông nghiệp.
Để thu hút được các nhà tuyển dụng, với tư cách Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed, ông Báo cho rằng, các bạn sinh viên hiện nay cần trang bị tốt 3 điều, đó là: Thái độ - Kiến thức sâu - Kỹ năng mềm.
Một thực tế được ông Báo chỉ ra, sinh viên khi ra trường đa phần đang thiếu, đó là "kỹ năng mềm". Đối với các bạn trẻ khi mới ra trường cần trau dồi kỹ năng giao tiếp, "cách bắt tay thế nào", "trò chuyện ra sao"... là một trong những yêu cầu rất quan trọng. Cũng theo ông Báo, sinh viên hiện nay phải thành thạo ngoại ngữ, tin học...
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty Doveco cho rằng, thị trường lao động của ngành nông nghiệp đang rất rộng mở. Ngoài các doanh nghiệp về chế biến, sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, lực lượng HTX cần nhân lực rất lớn. Ông Tùng cho hay, đối với sinh viên mới ra trường "kỹ năng mềm" vẫn đang rất yếu và thiếu.
Bà Nguyễn Thu Thủy, đại diện Tập đoàn De Heus nói về khó khăn trong việc tuyển dụng: "Ở Việt Nam, gia đình thường định hướng về nghề nghiệp cho con cái mình, họ thướng hướng đến những nghề như ngân hàng, bác sĩ, các ngành kinh tế, bởi vậy, lượng sinh viên đăng ký trong ngành nông nghiệp giảm khá nhiều trong những năm qua".
Cũng theo bà Thủy, khi chúng tôi nói chuyện với các bạn học trong ngành nông nghiệp đầu đâu đó vẫn có khoảng cách giữa chương trình học và yêu cầu mà doanh nghiệp đang cần. Khi tham gia làm việc với doanh nghiệp, thời gian đầu các bạn đó mất khá nhiều thời gian để làm quen và biết được những kỹ năng nào là cần thiết để áp dụng trong công việc.
Ngoài ra, Tập đoàn De Heus là doanh nghiệp nước ngoài, 70% phải giao tiếp bằng tiếng anh, bởi vậy, luôn ưu tiên các bạn có trình độ ngoại ngữ tốt để có thể giao tiết, viết email, sử dụng trong công việc hàng ngày, tuy nhiên, khi tuyển dụng, hạn chế của các bạn sinh viên vẫn là ngoại ngữ.
Ngoài ra, những năm gần đây các Trường cũng đã chủ động, cởi mở để cập nhật, đưa các giáo trình nâng cao, chương trình học bằng ngôn ngữ tiếng anh vào học, từ đó, sinh viên có thể tiếp cận được nhiều hơn với kiến thức ở bên ngoài. Đồng thời, chủ động liên kết với các doanh nghiệp để có những chương trình đào tạo, thực tập, định hướng cho các bạn sinh viên từ lúc ngồi trên ghế nhà trường.