Ngày 15/5, TAND TP.Hà Nội đã đưa vụ án “Bùi Văn Thuật” cùng đồng phạm ra xét xử phúc thẩm về tội trộm cắp tài sản; chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Các bị cáo tại phiên tòa
Theo nội dung cáo trạng, khoảng 21h00 ngày 16/4/2014, Bùi Văn Thuật (SN 1979, trú tại xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đi xe máy từ Hòa Bình đến khu vực núi chùa Thầy thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội để trộm cắp gỗ sưa.
Khi đi, Thuật mang theo túi xách tay màu đen, bên trong có bao tải, găng tay, 2 cưa tay. Đến khu vực núi chùa Thầy, Thuật giấu xe máy trong bụi dong, rồi đi lên núi theo đường mòn lên chùa Cao trên núi chùa Thầy. Thuật quan sát không thấy người nên dùng cưa tay cưa trộm 1 cây gỗ sưa và 1 cành của cây gỗ sưa gần đó rồi chia thành 4 khúc, mỗi khúc dài khoảng 1m cho vào bao tải.
Trên đường mang gố sưa ra chỗ cất giấu xe máy thì Thuật bị tổ công tác Công an huyện Quốc Oai đi tuần tra, phát hiện, bắt quả tang. Cơ quan Công an đã lập biên bản thu giữ phương tiện gồm 4 khúc gỗ (nghi là gỗ sưa), 3 bao tải cũ màu vàng, 1 đôi găng tay, 2 cưa tay và 1 xe máy.
Quá trình điều tra, Bùi Văn Thuật khai nhận trước đó Thuật đã 6 lần lên núi chùa Thầy cắt trộm gỗ sưa. Số gỗ sưa trộm được Thuật mang về nhà Đinh Công Nghị (SN 1963, trú tại xã Hợp Đồng, huyện Kim Bôi, Hòa Bình) cất giấu. Nhiều ngày sau đó, Thuật nhờ ông Nghị và Đinh Công Thanh (SN 1983, con trai ông Nghị) đẽo bỏ vỏ lấy lõi để chờ mối mua.
Được Thuật trả công môi giới, Đinh Công Nghị đã liên hệ với Trần Xuân Tứ ( SN 1970, trú tại phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) nhờ Tứ tìm người mua gỗ sưa. Tứ đã đưa Tạ Duy Sơn (SN 1954, trú tại xã Đông La, Hoài Đức, Hà Nội) lên 2 lần, mua 4 khúc được 96 triệu đồng.
Số gỗ sưa còn lại, Nghị tiếp tục giới thiệu Hoàng Quốc Anh (SN 1972, trú tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông) mua 3 khúc gỗ sưa với giá gần 80 triệu đồng.
Căn cứ vào kết quả giám định gỗ, dựa trên đặc điểm cấu tạo thô đại và hiển vi của Viện nghiên cứu công nghiệp rừng – Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam xác định đây là loại gỗ sưa (hay còn gọi là Huê Mộc Vàng), thuộc bảng A thực vật rừng trong nhóm I thực vật rừng, động vật rừng nghiêm cấm khai thác sử dụng vì múc đích thương mại. Số gỗ sưa này do UBND xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai quản lý có tổng giá trị tài sản mà Hội đồng định giá tài sản là hơn 151.620.000 đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Tạ Duy Sơn và Hoàng Quốc Anh đều khẳng định, bản thân không hề biết đó là gỗ sưa do Bùi Văn Thuật trộm cắp được ở khu vực núi chùa Thầy.
“Giữa tháng 2/2014, tôi lên huyện Yên Thủy (Hòa Bình) chơi và được Trần Xuân Tứ ở xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) dẫn đi mua gỗ nhà sàn cũ của đồng bào dân tộc. Sau đó, anh Tứ lại dẫn tôi đến huyện Kim Bôi, cách đó khoảng 60 km để mua một khúc gỗ sưa của người dân. Chủ nhà cho biết gỗ này là do các cháu đi mua của dân, có đường kính gốc khoảng 8 – 10 cm, đầu ngọn khoảng 4 - 5 cm, trọng lượng khoảng 7 - 8 kg. Việc mua bán không có gì khuất tất, đến ngày 20/4/2014, khi cùng với mấy người bạn viếng đám tang ở xã Tân Dân - Phú Xuyên - Hà Nội thì bất ngờ bị công an đến bắt. Sau khi làm việc với Công an, tôi mới biết số gỗ mình mua là do Bùi Văn Thuật (trú tại Hòa Bình) trộm cắp được ở chùa Thầy”, bị cáo Sơn trình bày trước HĐXX.
Sau giờ nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Thuật 3 năm 2 tháng tù (bằng thời hạn giạm giam) về tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo Đinh Công Nghị 10 tháng tù; Đinh Công Thanh 9 tháng tù; Trần Xuân Tứ 9 tháng tù; Tạ Duy Sơn 8 tháng tù; bị cáo Hoàng Quốc Anh 7 tháng tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.