Sau nhiều năm “đắp chiếu”, dự án Kenton Residences được đầu tư hàng nghìn tỷ đang khởi động trở lại, đổi tên thành Kenton Node. Tuy nhiên, chọn thời điểm này để hồi sinh, liệu dự án Kenton có đủ sức lấy lại niềm tin cho khách hàng?
Chủ đầu tư dự án Kenton Residences là Công ty Tài Nguyên đã đổ hàng nghìn tỷ vào dự án này, nhưng lại để "chết lâm sàng" quá sớm, để phơi nắng suốt nhiều năm qua. Ai cũng nghĩ, đại gia này sẽ chết trên đống tài sản, cộng với lãi ngân hàng và nhiều khoản nợ không lồ. Nhưng không, dự án đang bắt đầu khởi động lại với tên gọi Kenton Node, chọn thời điểm này hồi sinh liệu có quá muộn?
Tái sinh quá muộn màng?
Theo các chuyên gia, các dự án chết, chọn đời điểm tái sinh lại vô cùng quan trọng, nếu không muốn ngủ vùi mãi mãi. Vì vậy, đối với Kenton Node khởi động lại khi thị trường đã qua vùng sôi động có thể gặp thất bại thêm lần nữa. Liệu chủ đầu tư Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng - Sản xuất - Thương mại Tài Nguyên có vực dậy được dự án này?
Dự án Kenton Residences từng mở bán nằm 2009, sau đó rơi vào trạng thái “án binh bất động” và nằm “chờ thời” cho tới nay. Giờ đây, với nguồn tài chính mới được kích hoạt trong cơ chế mua bán và sáp nhập dự án được khởi động lại. Thị trường dù đã bớt khó khăn, nhưng không phải dự án nào khởi động lại cũng bán được. Đặc biệt là những dự án có vốn đầu tư lên đến cả nghìn tỷ đồng nhưng, không có lối thoát như Kenton Node.
Hơn nữa, dự án này định hình trong phân khúc rất cao cấp, gần những khu đô thị sầm uất như Phú Mỹ Hưng, Him Lam, Novaland... Dự án có nguồn vốn đầu tư rất lớn lên tới hàng trăm triệu USD, nhưng vẫn bị ách tắc thì khi sống lại cũng khó thể nào hoàn hảo.
Công ty Tài Nguyên từng kỳ vọng đây là dự án để đời, trở thành một biểu tượng cho sự phát triển tại khu Nam TP.HCM. Nào ngờ kỳ vọng của chủ đầu tư trở thành ảo tưởng. Kenton Residences bị chôn vùi trong bao lũ bong bóng bất động sản và năm im cho đến tận ngày nay.
Kenton Residences có tổng diện tích 9,1 ha, gồm khu Plaza, khu Sky Villa và khu Residences. Dự án có tổng cộng 9 tòa tháp cao từ 15 -35 tầng, với 1.640 căn hộ. Với mật độ sử dụng thấp, chỉ 13,1% và hệ số sử dụng đất toàn khu là 3,06, ông Vũ Anh Tâm, Chủ tịch Công ty Tài Nguyên đưa ra khái niệm là một ốc đảo giữa lòng thành phố. “Phần nào không xây dựng sẽ được trả về đúng với thiên nhiên cho cây bần, cây dừa nước có chỗ sống, cho con còng con cáy có chỗ thở và cho các em bé sinh ra ở đô thị không xa lạ với đồng quê”, ông Tâm từng nói.
Chết trên cửa thiên đường!
Chẳng ai ngờ rằng, dự án mà ông Tâm kỳ vọng là “Thiên đường nhiệt đới” lại nằm im với cây bần, cấy đước trong thời gian dài tưởng như vô tận. Dự án từng được khởi công hoành tráng, xây dựng khá tốt nhưng khi thị trường nổ bong bóng thì Kenton cũng “chết lâm sàng”. Theo các chuyên gia thì ông Tâm đã quá chủ quan, nên kế hoạch kinh doanh phá sản nhanh chóng. "Ông Tâm đã quá tự tin khi cho xây dựng tới tầng thứ 9 mới mở bán mà không huy động vốn ngày từ lúc đủ điều kiện triển khai dự án là một sai lầm lớn. Dự án được khởi công lúc thị trường khá tốt, nhưng lại bán khi thị trường nổ bong bóng mà không thất bại mới là chuyện lạ", một chuyên gia nhận định.
Sự ngưng trệ của dự án Kenton là điều vô cùng đáng tiếc khi những dự án cùng thời ở khu Nam Sài Gòn và dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ đã hoàn thiện và đi vào hoạt động vô cùng hiệu quả. Còn Kenton sau nhiều năm “phơi nắng, phơi sương”, giờ mới chốt phương án để cứu thì xem ra cũng hơi quá muộn.
Thị trường BĐS đã phục hồi, các đại gia thi nhau mua dự án chết với giá rẻ, đổi tên và tung ra thị trường. Họ đổi tên, thay đổi kết cấu, phương thức thanh toán giúp người mua nhà cảm thấy hợp lý hơn. Còn với Kenton, phần lớn căn hộ tới 3 phòng ngủ với diện tích từ 125-139 m2 được xây dựng theo thiết kế từ đầu và giá bán thì vẫn không có sự thay đổi đột biến nào. Chính điều này khiến chủ đầu tư đang bỏ lỡ cơ hội ra hàng trong đợt hồi sinh này. Bởi, nếu xét theo thị hiếu của khách hàng thì những căn hộ có diện tích nhỏ, phù hợp với khả năng chi trả mới là sự lựa chọn của họ.
Hơn nữa, thị trường đã phục hồi với rất nhiều chủ đầu tư đã thành công với những căn hộ có diện tích nhỏ, hợp túi tiền của người mua thực thụ chứ không phải là đầu cơ. Ông Vũ Anh Tâm, tổng giám đốc công ty Tài Nguyên, cũng thừa nhận rằng dự án đã được điều chỉnh lại thiết kế và Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã đồng ý, ủng hộ đề xuất này. "Về nguồn vốn, công ty đang huy động từ một số đối tác chiến lược và một phần từ nguồn thu của dự án đất nền Garden villa tại quận 7 có diện tích 7,4ha (gồm 42 căn Garden villa và 42 căn Garden villa)". Ngoài ra theo thông tin, dự án đã được chủ đầu tư “rót” vào khoảng 3.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay chiếm gần 50%.
Sau khi điều chỉnh diện tích căn hộ thì Kenton sẽ có số lượng căn hộ rất lớn, nên khi tái khởi động lúc thị trường chững lại thì việc ra hàng cũng là câu hỏi hóc búa. Giới chuyên gia cho rằng Kenton đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để hồi sinh dự án. Và thời điểm này thị trường đang qua giai đoạn sốt nóng và có nguy cơ bong bóng thì chủ đầu tư mới đưa dự án hồi sinh liệu có giúp Kenton thoát khỏi bùn lầy và điệp khúc “chết lâm sàng” có lặp trở lại?.