Bộ GTVT đã tổ chức Lễ công bố mở luồng đường thủy kênh đào tại Nam Định (nối sông Đáy với sông Ninh Cơ) từ ngày 25/7.
Thông tin từ UBND tỉnh Nam Định, tỉnh này đã nhận được quyết định của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc công bố mở luồng đường thủy nội địa quốc gia Kênh Nghĩa Hưng.
Theo quyết định của Bộ GTVT, luồng đường thủy nội địa quốc gia Kênh Nghĩa Hưng gồm luồng đường thủy nội địa cấp đặc biệt dài 1,18km (điểm đầu tại Km8+300 sông Ninh Cơ, điểm kết thúc tại Km35+450 sông Đáy, đều thuộc địa phận xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).
Công trình âu tàu Nghĩa Hưng có chiều dài 179m, rộng 17m, chiều dài hữu dụng 160m, cao trình đáy âu -7m, cao trình đỉnh âu 10,5m được xây dựng bằng bê tông cốt thép có thể cho phép phương tiện thủy có trọng tải đến 3.000 tấn lưu thông.
Dự án xây dựng Kênh Nghĩa Hưng là một phần của Dự án WB6, được thực hiện trên địa bàn xã Nghĩa Sơn và xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Đây là cụm công trình có ý nghĩa kinh tế - xã hội to lớn đối với sự phát triển kinh tế của các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Nam Định và Ninh Bình.
Cụm công trình này sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ phát huy được hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang, giúp cho tàu có trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, từ đó giảm gánh nặng cho đường bộ.
Sau gần 3 năm xây dựng, cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ đã cơ bản hoàn thành và đang tiến hành các thủ tục nghiệm thu để đưa vào sử dụng.
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nam Định cho ý kiến góp ý về việc đặt tên kênh đào được đầu tư hơn 100 triệu USD này. Sau đó Bộ GTVT và UBND tỉnh Nam Định đã thống nhất đặt tên công trình là Kênh Nghĩa Hưng và đặt tên âu tàu trên kênh là Âu tàu Nghĩa Hưng.
Thứ trưởng Bộ GTVT nhận định, đây là dự án giao thông phức tạp, do kết hợp nhiều hạng mục như cầu vượt kênh (thuộc đường bộ), kênh đào (thuộc đường thủy) và đê kè (thuộc thủy lợi). Trong đó, riêng hạng mục âu tàu được xác định lớn nhất Việt Nam.
Theo đó, trên luồng đường thủy này, phương tiện vận tải chủ yếu chở nguyên vật liệu công nghiệp và vật liệu xây dựng. Đối với tàu 2.000-3.000 tấn, kênh đào này giúp tiết kiệm quãng đường di chuyển lên tới 100km, tương ứng khoảng 8 giờ lưu thông.
Tàu vận tải ven biển có thể đi vào cửa sông Ninh Cơ rồi rẽ sang sông Đáy thông qua kênh đào. Điều này có ý nghĩa trong bối cảnh cửa sông Đáy bị bồi lắng, tàu thuyền ra vào khó khăn.
Dự án kênh Đáy - Ninh cơ có tổng mức đầu tư 100 triệu USD từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng trong nước.