Thông tư số 08/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ ban hành kèm theo mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ đã được thực hiện đến nay là 3 năm.
Theo đó, cán bộ trong diện quy định phải kê khai tài sản sẽ phải minh bạch khai báo chi tiết về nhà đất, tiền bạc, của cải hiện có của mình. Sau đó hàng năm phải kê khai về tài sản phát sinh nếu trị giá trên 50 triệu đồng. Qua đó, cơ quan quản lý sẽ nắm được số tài sản của cán bộ, nguồn gốc và giá trị là bao nhiêu, có cái gì khuất tất do tham nhũng hay không…
Thế nhưng, kể từ khi thực hiện Thông tư 08 đến nay, việc kê khai vẫn mang hình thức và chưa đạt được kết quả như mong muốn. Thứ nhất là do kê khai nhưng không công khai, kê khai tùy ý và không hề có xác minh nguồn gốc số tài sản đó.
Vì vậy có một vấn đề nóng nhất xung quanh việc kê khai tài sản hiện nay đang được dư luận quan tâm là bản kê khai tài sản của cán bộ có phải là “tài liệu mật” hay không? Công khai minh bạch tài sản nhằm phòng ngừa và phát hiện cán bộ có tham nhũng hay không nhưng lại xếp vào “hồ sơ mật, tài liệu mật” thì kê khai làm gì? Đã là tài liệu mật thì chỉ một số rất ít người có trách nhiệm được tiếp cận mà thôi.
Khái niệm về bản kê khai tài sản trở thành“hồ sơ mật” mới được nói đến qua vụ bản kê khai tài sản của ông Chủ tịch thành phố Đà Nẵng bị đưa lên mạng xã hội. Tuy chưa biết mức độ chính xác đến đâu dù trên mạng đưa đầy dủ thông tin về vị trí, diện tích đất đai và nhiều tài sản khác của ông này. Phải chăng, bản kê khai tài sản của ông Chủ tịch Đà Nẵng được xếp luôn vào hồ sơ cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý nên đã mặc nhiên trở thành “hồ sơ mật”? Bởi vậy thay vì công khai luôn tài sản thực có theo khai báo trung thực của ông chủ tịch để khẳng định thông tin trên mạng là thất thiệt dụng ý xấu thì người ta lại truy tìm ai làm lộ “hồ sơ mật ”.
Các chuyên gia cho rằng, riêng bản kê khai tài sản cán bộ mà biến thành “hồ sơ mật” thì công tác phòng chống tham nhũng sẽ càng đi vào ngõ cụt, bế tắc!
Thực ra nhà cửa, xe cộ và thu nhập của cán bộ công chức không phải là tài liệu mật. Các nước người ta đều công khai nên dân Nga biết ông Putin, dân Mỹ biết ông Obama có bao nhiêu tiền sau 1 nhiệm kỳ. Họ không giữ bí mật.
Nhưng ở ta thì khác. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng gần đây, chỉ có 17 trường hợp bị xử lý vi phạm quy định về kê khai tài sản trong khi hoạt động thanh tra đã phát hiện 670 vụ với trên 1.800 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan là trên 1000 tỷ đồng. Các con số này cho thấy biện pháp minh bạch tài sản, thu nhập hiện nay không có hiệu quả và không có tác dụng ngăn ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.
Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đã nêu ý kiến: “Khi sửa Luật Phòng, chống tham nhũng tới đây, tôi đề nghị phải áp dụng kê khai tài sản kể cả với những người thân trong gia đình quan chức”. Theo đó, do quá nhiều quan chức không kê khai nhà cửa, tài sản của mình mà kê khai rằng đó là tài sản của vợ con anh em cháu chắt, của người khác. Để khắc phục điều này, đúng là cần thiết phải huy động người dân cùng vào cuộc phát hiện.
Điều này cũng đúng theo cương lĩnh của Đảng là dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra. Muốn vậy cần phải minh bạch. Trừ những điều thuộc phạm vi bí mật quốc gia, còn những gì minh bạch được ví như những dự án quốc kế dân sinh thì phải minh bạch cho dân giám sát. Còn kê khai mà không quản lý được, kê khai mà lại biến thành “hồ sơ mật” thì kê làm gì? Bao giờ tài sản của cán bộ, công chức được công khai thì lúc đó công cuộc chống tham nhũng mới có thêm điều kiện để tiến hành và thực hiện thành công.