Tòa án ở London tuyên án 50 tuần tù giam với nhà sáng lập WikiLeaks vì vi phạm thỏa thuận bảo lãnh tại ngoại năm 2012, trốn vào đại sứ quán Ecuador tại London gần bảy năm.
Assange giơ nắm tay siết chặt khi bị đưa tới một chiếc xe tù tại Tòa án Southwark Crown.
Trong phiên xử ngày 1/5, thẩm phán Doborah Taylor của Tòa án Hoàng gia Southwark cho rằng Julian Assange lợi dụng sự ưu ái dành cho mình để không tuân thủ pháp luật, thể hiện sự coi thường đối với hệ thống tư pháp của Anh.
Bà Taylor trước khi công bố mức án dành cho Assange đã nói nhà sáng lập WikiLeaks là người "chỉ biết đến lợi ích của bản thân” và không có ý định tự thú nếu không bị bắt giữ.
Chính phủ Ecuador ngày 11/4 bất ngờ chấm dứt tư cách tị nạn chính trị của Assange và cho phép cảnh sát Anh vào đại sứ quán áp giải nhà hoạt động xã hội người Australia.
Các luật sư của Assange tranh luận rằng thân chủ của mình không trình diện trước Tòa án Anh vào năm 2012 vì tin rằng ông sẽ không được xét xử công bằng.
Trong khi đó, chính phủ Thụy Điển đề nghị dẫn độ Assange để xét xử các cáo buộc xâm hại tình dục và cưỡng bức đối với hai người phụ nữ giấu tên. Julian Assange khẳng định mình vô tội.
Những người ủng hộ người sáng lập WikiLeaks Assange đã tập trung phản đối bên ngoài tòa án nơi ông bị kết án
Người đàn ông 47 tuổi, với vẻ mặt mệt mỏi và mái tóc được cắt tỉa gọn gàng, đã giơ nắm đấm lên với những người ủng hộ trong phòng trưng bày công cộng tại Tòa án Southwark Crown của London khi được đưa xuống phòng giam.
Những người ủng hộ Assange hét lên về phía quan tòa: "Các ông thật đáng xấu hổ!".
Tổng biên tập của WikiLeaks, bà Kristinn Hrafnsson, đã gọi bản án này là "sự phẫn nộ" tại một cuộc họp báo bên ngoài và nói rằng trọng tâm bây giờ sẽ chuyển sang ngăn chặn sự dẫn độ của Assange sang Mỹ. "Đó sẽ là một vấn đề sống còn", ông cảnh báo.
Assange đã trốn vào đại sứ quán của Ecuador vào năm 2012 sau khi một Thẩm phán người Anh ra lệnh dẫn độ ông vì các cáo buộc của Thụy Điển về tấn công tình dục và cưỡng hiếp, điều mà ông luôn phủ nhận mạnh mẽ.
Ông tuyên bố các cáo buộc chỉ là một cái cớ để dẫn độ ông đến Hoa Kỳ, nơi ông sẽ bị truy tố về việc WikiLeaks để lộ hàng triệu tài liệu mật.
Tại phiên tòa tuyên án, luật sư Mark Summers của ông nói rằng Assange đã bị "kìm kẹp" bởi "nỗi sợ hợp lý" rằng ông sẽ phải đối mặt với việc bị bắt giam ở Mỹ.
Trong những tuần qua, nhà sáng lập WikiLeaks bị giam giữ tại nhà tù Belmarsh, phía đông nam London. Đây là một trong những cơ sở giam giữ có an ninh nghiêm ngặt nhất tại Anh và xứ Wales.
Nhà sáng lập WikiLeaks sẽ tiếp tục hầu tòa trong ngày 2/5, để thẩm phán xem xét yêu cầu dẫn độ ông sang Mỹ chịu xét xử hình sự.
Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange đã trốn đến đại sứ quán của Ecuador vào năm 2012
Cơ quan công tố Mỹ cáo buộc Assange tiếp tay cho cựu chuyên gia phân tích tình báo quân đội Chelsea Manning xâm nhập bất hợp pháp các máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm 2010, làm rò rỉ nhiều tài liệu mật của chính phủ. Những tài liệu này được công bố trên trang WikiLeaks.
Bộ hồ sơ truy tố Assange được đóng dấu mật trong hơn một năm và chỉ được công khai sau khi ông bị cảnh sát Anh bắt giữ. Theo luật Anh, chính phủ Mỹ có 65 ngày kể từ thời điểm Assange bị bắt giữ để cung cấp đầy đủ giấy tờ yêu cầu dẫn độ ông. Hạn chót cho phía Mỹ là ngày 15/6.