Đầu tuần qua, ngân hàng JPMorgan (Mỹ) vướng phải rắc rối liên quan đến giao dịch trong một giai đoạn kéo dài gần 10 năm.
Theo các công tố viên liên bang Mỹ, ba cá nhân tại JPMorgan đã tiến hành các giao dịch nội gián “bóp méo” giá kim loại quý để tạo ra hàng triệu USD lợi nhuận cho bản thân và JPMorgan, từ đó gây tổn thất hàng triệu USD cho khách hàng và đối tác.
Đây được cho là bê bối mới nhất của JPMorgan, và cuộc điều tra sẽ còn tiếp diễn nhằm vào những quản lí cấp cao hơn của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ này.
Một thập niên lách luật
Bộ phận giao dịch kim loại quý của JPMorgan đã lọt vào tầm ngắm của giới chức trách suốt nhiều năm qua. Họ miêu tả bộ phận này từ lâu hoạt động như một tổ chức tội phạm, được che chắn bởi danh tiếng ngân hàng lớn nhất Mỹ. Trong báo cáo công bố kết quả điều tra mới nhất về quy trình ấn định giá, các công tố viên đã phát hiện rất nhiều sai phạm trên phạm vi rộng, truy tố ba cá nhân bao gồm giám đốc điều hành JPMorgan Gregg Smith, giám đốc kiêm quản lý bộ phận giao dịch kim loại quý Michael Nowak và cựu nhân viên Christopher Jordan.
Michael Nowak có tới trên 20 năm kinh nghiệm làm việc tại JPMorgan, được cho là hiểu rất rõ hoạt động của ngân hàng này. Trong khi đó, Smith và Jordan có quan hệ thân thiết với Michael Nowak, từng hoạt động ở vị trí giao dịch viên. Cá biệt, Christopher Jordan nắm giữ chức giám đốc bộ phận giao dịch kim loại quý trong giai đoạn 2006-2009, trước khi chuyển cho người kế nhiệm là Michael Nowak.
Ba cá nhân này đã bị Cục điều tra liên bang (FBI) cáo buộc tham gia vào một kế hoạch tinh vi nhằm thao túng các kim loại quý (vàng, bạc, bạch kim và palladium), gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự cân bằng tự nhiên của chuỗi cung - cầu suốt gần một thập kỷ.
Báo cáo điều tra tiết lộ, trong khoảng thời gian từ tháng 5-2008 đến 8-2016, các quản lí của JPMorgan cùng với những kẻ đồng lõa đã đặt các lệnh giao dịch giả “siêu khổng lồ” trong bối cảnh JPMorgan là một trong nhiều ngân hàng đóng vai trò chủ đạo trên thị trường giao dịch kim loại quý toàn cầu. Tuy nhiên, họ đã nhanh tay hủy lệnh trước khi giao dịch chính thức diễn ra, khiến các nhà đầu tư sập bẫy khi lầm tưởng về thanh khoản cũng như biến động thị trường.
Ngoài ra, ba cá nhân nêu trên còn lừa đảo khách hàng bằng giao dịch hợp đồng tương lai với kim loại theo hướng đẩy giá về ngưỡng có lợi cho ngân hàng, từ đó gây thiệt hại cho khách hàng nhờ mức lợi nhuận bất chính lên đến hàng triệu USD.
Dù được mệnh danh là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, JPMorgan từng vướng phải những bê bối đáng xấu hổ.
Sự gian dối tiếp tục bị vạch trần liên quan đến toàn bộ quy trình làm việc và giao dịch tại JPMorgan. Theo đó, năm 2010, Jordan cố ý nói dối trong một cuộc điều tra của Ủy ban Giao dịch hàng hóa và Hợp đồng tương lai (CFTC) về hành vi thao túng giá bạc. Còn Smith đã cung cấp thông tin sai sự thật cho các điều tra viên về các giao dịch cá nhân bất hợp pháp vào năm 2013, trong khi đồng phạm Nowak hoàn toàn không tuân thủ các quy định ở JPMorgan liên tục từ năm 2008 đến 2010.
Đứng trước các cáo buộc, luật sư của ba nhân vật này không đưa ra bất cứ bình luận nào ngoài tuyên bố thân chủ của họ hoàn toàn vô tội, trong khi phản đối việc cơ quan điều tra đưa ra quyết định tiếp tục truy tố.
Mạnh tay với các “ông lớn”
Dù được mệnh danh là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, JPMorgan trước đây cũng từng vướng phải những bê bối đáng xấu hổ. Phải nhắc đến bê bối lịch sử “Cá voi London”, gây thiệt hại 6 tỷ USD và buộc JPMorgan bồi thường gần 1 tỷ USD hồi năm 2012. Chưa đầy một năm sau, JPMorgan gặp rắc rối khi cấp thẻ tín dụng trái phép cho gần 3 triệu khách hàng.
Đồng thời, JPMorgan có dấu hiệu bán nợ xấu cho bên thứ ba, bao gồm các tài khoản không xác thực, không thu hồi được, hoặc không thể giải phóng. Ngân hàng này sau đó thừa nhận đã vi phạm các quy tắc về ngân hàng khi không giám sát đúng mức hoạt động giao dịch.
Đứng trước bê bối hiện tại, trong khi phía JPMorgan hoàn toàn im lặng thì các công tố viên khẳng định rằng sẽ tiếp tục điều tra ít nhất 12 cá nhân khác có liên quan thuộc JPMorgan. Động thái này cho thấy các cơ quan hành pháp đang ngày càng mạnh tay (chứ không nương tay) với hành vi thao túng thị trường, nhất là khi Chính phủ Mỹ gần đây dường như tỏ ra bất lực khi đã thua trong một số vụ kiện khác về thao túng giá.
Ngoài ra, bê bối mới nhất của JPMorgan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Đạo luật về các tổ chức tham nhũng và những ảnh hưởng của xã hội đen (RICO).
Trước đây, Mỹ thường viện dẫn RICO để đối phó với hoạt động giao dịch nhỏ và trong các vụ kiện doanh nghiệp, chứ không phải các vụ kiện ngân hàng lớn. Tuy nhiên, việc đạo luật được sử dụng trong vụ JPMorgan cho thấy ngân hàng này đứng trước nguy cơ pháp lý rất nghiêm trọng, chứ không đơn thuần chỉ là hành vi phạm pháp của một số cá nhân.
Quan trọng hơn, RICO dần được coi là công cụ giúp giới điều tra theo dấu mọi tổ chức, tạo bàn đạp để các công tố viên “chiếu tướng” các ngân hàng khác đang âm thầm tiến hành những giao dịch thao túng bất chính và phức tạp trong khoảng thời gian dài.
Theo giới quan sát, việc JPMorgan bị “sờ gáy” chỉ là bước tiếp theo trong cuộc điều tra các ngân hàng Mỹ về thao túng thị trường hàng hóa thông qua gian lận ngân hàng, thao túng kim loại quý và âm mưu tiến hành giao dịch lái giá theo hướng thu lợi bất chính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại liên bang hoặc nước ngoài. Những hành vi kiểu này đã có từ lâu, nhưng có khả năng vụ JPMorgan sẽ gia tăng sự giám sát đối với thị trường kim loại quý thế giới và sự thống trị của các ngân hàng lớn như JPMorgan.