Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) hôm 29/6 đã từ chối đề nghị giúp đỡ bắt giữ Tổng thống Mỹ Donald Trump và hàng chục người khác mà Tehran cáo buộc có liên quan đến vụ sát hại tướng Qassem Soleimani.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Times of Israel dẫn nguồn AP cho biết, Interpol cho biết sẽ không xem xét đề nghị của Iran do điều này không phù hợp với quy tắc hoạt động của tổ chức này.
Cần lưu ý rằng,Interpol là tổ chức trung lập về chính trị, và hiến chương của tổ chức không cho phép can thiệp về vấn đề này, ít nhất là về mặt lý thuyết, đó là thực hiện các hoạt động chính trị, quân sự, tôn giáo, hoặc có tính chất phân biệt chủng tộc.
Công việc của Interpol tập trung chủ yếu về an toàn công cộng và chiến đấu với chủ nghĩa khủng bố, tội ác chống lại nhân loại, tội phạm môi trường, tội phạm diệt chủng, tội ác chiến tranh, tổ chức tội phạm quốc tế, vi phạm bản quyền, đánh cắp tác phẩm nghệ thuật, sản xuất và vận chuyển, buôn bán ma túy, buôn lậu vũ khí, buôn người, rửa tiền, khiêu dâm trẻ em, tội phạm cổ cồn trắng, tội phạm công nghệ cao, tội phạm về sở hữu trí tuệ và tham nhũng. Việc xử lý dữ liệu tại Interpol được theo dõi bởi Ủy ban độc lập theo Điều 36 của Điều lệ Interpol.
Trước đó cùng ngày, Công tố viên Iran Ali Alqasimehr cho biết, Iran đã phát lệnh bắt giữ đối với 36 người bị cáo buộc có liên quan đến vụ sát hại tướng Qassem Soleimani, trong đó có Tổng thống Donald Trump cùng các quan chức cả quân sự và dân sự của Mỹ. Iran cũng đã gửi đề nghị cho Interpol để ra “thông báo đỏ” đối với những người này.
Trong khi đó, bình luận về động thái của Iran, Đại sứ Mỹ về vấn đề Iran Brian Hook cho rằng, đề nghị bắt giữ ông Trump chỉ là hình thức “tuyên truyền nguy hiểm” của Tehran.
Vào ngày 3/1, giữa lúc mối quan hệ giữa Washington và Tehran leo thang căng thẳng, Mỹ đã thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào một đoàn xe gần sân bay quốc tế Baghdad đang chở một số hành khách, trong đó có chỉ huy Quds Force thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiếu tướng Qasem Soleimani cùng chỉ huy Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF/PMU) của Iraq Abu Mahdi al-Muhandis, 4 sĩ quan cao cấp của Iran và 4 sĩ quan Iraq.
Vụ tấn công xảy ra sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran và xảy ra khủng hoảng Vịnh Ba Tư 2019. Trong tuần trước vụ tấn công, một căn cứ không quân ở Iraq đã bị tấn công, giết chết một nhà thầu Mỹ. Mỹ đã đáp trả bằng cách giết 25 dân quân Kata'ib Hezbollah do Iran hậu thuẫn bằng một cuộc ném bom. Vài ngày sau, đại sứ quán Mỹ ở Iraq đã bị tấn công trả thù. Mỹ đổ lỗi cho Iran và các đồng minh phi nhà nước của Iran về những sự cố này.
Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tiếp theo này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Các nhà lãnh đạo Iran tuyên bố sẽ trả thù Mỹ trong khi các quan chức Mỹ tuyên bố họ sẽ tấn công phủ đầu bất kỳ nhóm bán quân sự nào được Iran hậu thuẫn ở Iraq mà họ cho là mối đe dọa.