Ngày 27/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã yêu cầu một giải pháp tức thời giải quyết khủng hoảng nợ trần của Mỹ, cũng như một biện pháp khắc phục lâu dài để điều này không tái diễn. Sự không chắc chắn và bóng ma về khả năng vỡ nợ của Mỹ đang tạo ra sự bất ổn trên thị trường và đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu.
Mỏ neo ổn định cho hệ thống tài chính toàn cầu
Kho bạc Mỹ đã đạt đến giới hạn nợ cho phép và các đảng chính trị đang đàm phán một giải pháp trong thời gian ngắn.
Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva đã nhấn mạnh trong một cuộc họp báo về sự cần thiết phải tìm ra giải pháp.
“Đạt được một kết quả tốt là điều tối quan trọng từ góc độ toàn cầu. Thị trường Kho bạc Mỹ là mỏ neo ổn định cho hệ thống tài chính toàn cầu và mỏ neo này cần phải vững vàng. Bạn nhổ neo khi nền kinh tế thế giới - con tàu mà tất cả chúng ta đang đi trên đó - đang ở trong vùng biển đầy sóng gió, thậm chí tệ hơn là chưa được khám phá”, bà nói. “Vì vậy, tại thời điểm có nhiều bất ổn, chúng ta đừng gây thêm vết thương cho nền kinh tế toàn cầu. Có một số tin tức đáng khích lệ rằng các cuộc thảo luận đang tiến triển. Nhưng thế giới đang theo dõi và nói, 'Được rồi, hãy kết thúc chuyện này’”.
Theo IMF, căng thẳng về trần nợ liên bang hoàn toàn có thể tránh được đối với cả nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Tổ chức này tin rằng để tránh làm trầm trọng thêm rủi ro suy thoái, Quốc hội nên ngay lập tức nâng hoặc đình chỉ hoàn toàn trần nợ, cho phép các cuộc đàm phán về ngân sách tài khóa 2024 bắt đầu một cách nghiêm túc.
Lạm phát dai dẳng
IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ thêm 1/10 điểm phần trăm cho năm nay lên 1,7% và hạ 1/10 điểm phần trăm xuống 1% cho năm tới so với dự báo hồi tháng 4. Các chuyên gia IMF nhấn mạnh, nền kinh tế đã cho thấy khả năng phục hồi trước việc thắt chặt đáng kể chính sách tài khóa và tiền tệ diễn ra vào năm 2022 và đã tránh được suy thoái cho đến nay. IMF cho biết: “Nhu cầu của người tiêu dùng đã tăng lên khá tốt, ban đầu được thúc đẩy bởi sự giảm bớt các khoản tiết kiệm bị dồn nén và gần đây hơn là nhờ sự tăng trưởng vững chắc của thu nhập khả dụng thực tế”.
Mặt trái của vấn đề là lạm phát không chịu giảm bớt và sẽ vẫn “cao hơn đáng kể” so với mục tiêu 2% trong năm nay và năm tới, IMF ước tính. IMF cho biết: “Để đưa chỉ số lạm phát trở lại với mục tiêu sẽ cần một thời gian dài thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, với tỷ lệ quỹ liên bang duy trì ở mức 5,25–5,5% cho đến cuối năm 2024”, IMF cho biết. Đây là những mức lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn so với kỳ vọng của thị trường hiện nay.
IMF cũng cảnh báo rằng tốc độ tăng nhanh của lãi suất có thể không đủ để nhanh chóng đưa lạm phát trở lại mục tiêu. IMF cho biết: “Một tỷ lệ lớn các khoản nợ của hộ gia đình và doanh nghiệp được ký hợp đồng với thời hạn tương đối dài và lãi suất cố định, chi tiêu hộ gia đình và đầu tư của doanh nghiệp đã chứng tỏ lạm phát ít nhạy cảm với lãi suất hơn so với các chu kỳ thắt chặt trước đây”.
Rủi ro suy thoái
Điều này tạo ra một rủi ro đáng kể rằng Fed sẽ phải tăng lãi suất chính sách nhiều hơn đáng kể so với mức dự kiến hiện tại để đưa lạm phát trở lại mức 2%. IMF tin rằng kết quả tăng trưởng ngắn hạn có thể tốt hơn so với dự đoán hiện tại. “Tuy nhiên, điều này chỉ có nghĩa là nền kinh tế sẽ chậm lại đột ngột hơn ở giai đoạn sau (có thể là vào năm 2024), tạo ra một cuộc suy thoái khi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn được áp dụng”, tổ chức này cho biết. “Sự kết hợp giữa lãi suất cao hơn của Mỹ, đồng đô la mạnh hơn và hoạt động của Mỹ chậm lại rõ rệt hơn sẽ có tác động lan tỏa tài chính vĩ mô tiêu cực đáng kể đến phần còn lại của thế giới”.
Ngoài ra, việc tăng lãi suất mạnh hơn có thể bộc lộ nhiều vấn đề nghiêm trọng và mang tính hệ thống hơn so với những vấn đề được quan sát cho đến nay trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, tổ chức phi ngân hàng và công ty, theo IMF, tổ chức tin rằng “việc thắt chặt các điều kiện tài chính có thể gây ra sự gia tăng các vụ phá sản, làm xấu đi chất lượng tín dụng và làm tăng căng thẳng cho những thực thể có mức đòn bẩy cao và có nhu cầu tài chính lớn trong thời gian ngắn”.
Đề xuất điều chỉnh thuế
IMF cũng cảnh báo rằng Mỹ cần điều chỉnh tài khóa để đạt được mức nợ bền vững hơn. IFM cho rằng: “Ngoài nhu cầu thắt chặt tài khóa trong ngắn hạn, cần phải có một sự điều chỉnh quan trọng hơn (tức là tăng khoảng 5% GDP trong cán cân cơ bản chung của Chính phủ) để đưa nợ công đi xuống một cách dứt khoát vào cuối thập kỷ này". Tuy nhiên, IMF tin rằng việc loại trừ việc tăng thuế đối với những người có thu nhập dưới 400.000 đô la mỗi năm hoặc những thay đổi đối với an sinh xã hội và Medicare cuối cùng sẽ khiến việc điều chỉnh như vậy không khả thi.
Có một số công thức để giảm thâm hụt bằng cách thu thuế và IMF có một vài ý tưởng, một loạt các đề xuất: “Doanh thu có thể được tăng lên thông qua thuế tiêu thụ liên bang trên diện rộng, thuế carbon, đánh thuế cao hơn đối với các doanh nghiệp và cá nhân có thu nhập cao, giảm bớt các khoản chi thuế có mục tiêu kém (chẳng hạn như cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe do người sử dụng lao động cung cấp, bán nơi cư trú chính, tiền lãi thế chấp, thuế tiểu bang và địa phương), đóng các kẽ hở về thuế, giảm ngưỡng tối thiểu đối với thuế bất động sản và cải thiện hơn nữa việc quản lý doanh thu”.
Cuối cùng, IMF khuyến khích Mỹ nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chỉ trích chính sách bảo hộ của nước này: “Đạo luật Giảm lạm phát, Đạo luật CHIPS và Đạo luật Xây dựng nước Mỹ, đã bao gồm các điều khoản được thiết kế rõ ràng để ủng hộ hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại Mỹ hoặc Bắc Mỹ. Chúng tôi biết từ kinh nghiệm rằng các điều khoản bảo hộ bóp méo thương mại và đầu tư, có nguy cơ tạo ra một con dốc trơn trợt sẽ làm phân mảnh chuỗi cung ứng toàn cầu và kích hoạt các hành động trả đũa của các đối tác thương mại”.