Từ tối 28/6, Hy Lạp quyết định đóng cửa các ngân hàng và áp đặt biện pháp kiểm soát vốn nhằm ngăn chặn tình trạng hỗn loạn tài chính, theo BBC.
Sau các cuộc đàm phán cứu trợ với các chủ nợ quốc tế rơi vào bế tắc, Hy Lạp quyết định đóng cửa tạm thời các ngân hàng và thị trường chứng khoán Athens, đồng thời áp đặt biện pháp kiểm soát vốn, Thủ tướng Hy Lạp, Alexis Tsipras tuyên bố.
Động thái này đưa ra khi nước này đang tiến gần hơn tới nguy cơ phải rời khỏi khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Người dân Hy Lạp xếp hàng chờ rút tiền tại trung tâm Athens ngày 28/6
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu tuyên bố sẽ không tăng cường hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng Hy Lạp.
Theo người đứng đầu Công đoàn lao động ngân hàng Hy Lạp, Stavros Koukos cho biết, trong bối cảnh Hy Lạp đang rơi vào tình trạng vỡ nợ, những công dân nước này đổ xô đi rút tiền từ ngân hàng. Kể từ đầu tháng sáu, người dân đã rút 1,45 tỷ đô từ các ngân hàng.
Trong tuyên bố ngày 28/6, Thủ tướng Tsipras kêu gọi người dân hãy bình tĩnh và trấn an họ rằng, tiền của họ "hoàn toàn an toàn". “Tất cả các khó khăn đều có thể tháo gỡ, chúng ta sẽ sớm vượt qua tình trạng này”, ông nói thêm.
Những thay đổi nhanh chóng về tình hình kinh tế nước này đang được các nhóm cố vấn kinh tế thế giới theo sát, tuyên bố trên cho biết.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ, Barack Obama và Thủ tướng Đức, Angela Merkel đã có cuộc điện đàm bàn về tình hình của Hy Lạp và đề nghị có hành động khẩn cấp để giữ Hy Lạp ở lại Eurozone. Cả 2 nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ và Đức đều thống nhất rằng, việc nỗ lực giúp Hy Lạp tìm cách trở lại con đường cải tổ là một điều rất quan trọng.
Trong cuộc hội đàm với những người đồng cấp Đức và Pháp, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Jack Lew cũng đề nghị, các chủ nợ xem xét giảm nợ cho Hy Lạp, một tình huống mà Đức và các nước thành viên Eurozone khác phản đối mạnh mẽ.