Mới đây, một vụ án gây rúng động dư luận vừa xảy ra tại thủ đô Hà Nội khi xuất phát từ mâu thuẫn đất đai, người anh trai đã xuống tay sát hại cả nhà em trai mình, thậm chí cháu bé mới 14 tháng tuổi đối tượng này cũng không nương tay.
Truy sát cả gia đình em trai vì mâu thuẫn đất đai
Tại cơ quan điều tra, đối tượng Nguyễn Văn Đông (SN 1966, trú tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) đã khai nhận hành vi giết cả gia đình em trai và cho biết, cả đêm trước hắn không ngủ được, nên khoảng 7h30 sáng 1/9, hắn giấu con dao vào trong áo rồi sang nhà ông Nguyễn Văn Hải (SN 1969, em trai của Đông). Lúc này, thấy bà Doãn Thị Việt (SN 1971, vợ ông Hải) vừa đi xe máy ra đến cổng, Đông đã vung dao chém liên tiếp vào đầu.
Tiếp đó, đối tượng Đông cầm hung khí truy sát anh Nguyễn Văn Hiệp (26 tuổi, con ông Hải) nhưng Hiệp nhanh chân chạy thoát. Lúc này, thấy cháu gái mình là chị Nguyễn Thị Bắc (28 tuổi, con ông Hải) đang loay hoay chạy Nguyễn Văn Đông cầm dao tấn công. Không dừng lại ở đó, Đông còn chém ông Hải tử vong tại chỗ.
Thấy chị Đỗ Thị Hồng Nhung (24 tuổi, con dâu ông Hải) chạy ra, Đông tiếp tục chém khiến nạn nhân gục xuống. Khi các nạn nhân nằm gục trên vũng máu, một số người xông vào hiện trường đưa nạn nhân đi cấp cứu liền bị Đông cầm dao truy đuổi. Tất cả đều phải lùi ra rất xa.
Đối tượng Đông cho biết, mục đích ban đầu chỉ chém chết bà Việt và anh Hiệp nhưng sau này không kiềm chế được bản thân, nên đã chém tất cả 5 người gia đình nhà ông Hải trong đó có cháu bé 1 tuổi. Sau khi gây ra án mạng, đối tượng Đông trở về nhà và có ý định tự tử.
Nguyễn Văn Đông sau thời điểm gây án còn vào nhà bình tĩnh uống nước và khi bị bắt
Theo một lãnh đạo xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội), nguyên nhân ban đầu được nhận định do mâu thuẫn gia đình, tranh chấp về kinh tế, đất đai giữa hai anh em. “Nhà ông Hải cắm mốc giới đất giữa 2 nhà để chuẩn bị xây nhà mới và có hỏi ông Đông cắm như vậy đã đúng chưa. Ông Đông lầm lì không nói gì, đến hôm nay thì xảy ra vụ thảm sát”, vị lãnh đạo này nói và cho biết thêm gia đình ông Hải sinh được chị Bắc và người con trai tên Hiệp.
Theo hàng xóm của hai gia đình, ông Đông đã có vợ và 2 con, kinh tế khá giả, sống với hàng xóm lâu nay chưa có điều tiếng gì. Chứng kiến sự việc kinh hoàng, nhiều người không ngờ ông Đông lại ra tay dã man như vậy với người thân. Một người hàng xóm cho biết giữa 2 nhà anh em ông Đông, ông Hải có xích mích, tranh chấp đất đai đã 2 năm trở lại đây. “Khi công an xã đến hiện trường, ông Đông còn hung hãn cầm dao đuổi. Lúc lực lượng chức năng khống chế được ông Đông, ông này còn vẫy tay chào hàng xóm, người thân”, người này kể lại.
Dù nguyên nhân dẫn đến hành vi tàn ác của Nguyễn Văn Đông đang được các cơ quan chức năng làm rõ nhưng phân tích qua những tình tiết vụ án có thể thấy hiện trạng báo động đỏ về sự xuống cấp, băng hoại về đạo đức, văn hóa ứng xử giữa con người với nhau trong xã hội hiện nay. Trong đó, có thể nhận thấy sự cố kết trong gia đình Việt Nam theo chuẩn mực truyền thống, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng.
Điều gì đã khiến một xã hội hiền hòa thuở nào trở thành một xã hội bạo lực như vậy? Nếu nói rằng là do pháp luật chưa đủ nghiêm minh thì cũng chưa đủ. Pháp luật chỉ có thể trừng phạt những tội ác đã xảy ra rồi, không pháp luật kiện toàn nào có thể chế ước được những mầm mống tà ác từ trong suy nghĩ. Tất nhiên sự nghiêm minh của pháp luật có thể khiến người ta vì sợ mà không dám hành động sai, nhưng khi những suy nghĩ điên loạn, lệch lạc hình thành mà không có một sự ước thúc nào thì chỉ cần có điều kiện thuận lợi, nó sẽ phát tác thành hậu quả khôn lường.
Sự bế tắc trong suy nghĩ của tội phạm
Trung tá Đào Trung Hiếu
Dưới góc độ tâm lý học tội phạm, Trung tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) đánh giá, thủ phạm từ những suy nghĩ lệch lạc đã để bản năng dẫn dắt, khiến mất kiểm soát hành vi. Sự ức chế tâm lý do thù tức, hằn học, trong một con người có khí chất nóng nảy, hung hãn, thiếu giáo dục... đã biến thành động cơ phạm tội, thúc đẩy đối tượng Đông tìm đến bạo lực như một cách duy nhất để giải tỏa sự dồn nén cảm xúc bên trong.
Chuyên gia tội phạm học cho rằng trong vụ thảm án xảy ra ở huyện Đan Phượng, Đông đã quá coi trọng lợi ích vật chất, xem nhẹ tình cảm gia đình dẫn đến coi thường pháp luật. "Khi lợi ích bị xâm phạm, Đông không giải quyết bằng đối thoại mà đem sự hằn học, thù tức trong con người biến thành sự hung hãn", Trung tá Hiếu phân tích.
Cũng theo chuyên gia Đào Trung Hiếu, ở tuổi 53, ông Đông đã tích lũy kinh nghiệm sống, biết được đúng - sai. Bị can thừa hiểu hành vi giết người là phạm trọng tội nhưng vẫn gây án. Từ đó có thể thấy một sự bế tắc trong tư duy của thủ phạm.
Sau khi vung dao chém người đầu tiên, thì việc chém “n” người sau đó, như một quán tính của cơn say máu. Khó nhất là vượt qua sự níu kéo của lương tâm khi quyết định chém người thứ nhất. Bàn tay đã vấy máu đồng loại, khiến hung thủ trượt qua mọi cảm xúc, lương tri... Hơn nữa, biết đã gây trọng tội, đằng nào cũng chết, dễ thúc đẩy nghi phạm xả cho hết nỗi bực dọc lên những người khác.
“Quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng đã cho thấy hung thủ có sự lệch lạc nghiêm trọng về nhân cách, để bản năng dẫn dắt, cơn giận dữ sai khiến, khả năng kiểm soát và làm chủ hành vi bằng 0. Đã dám chém người nhà, thì việc chống trả lại lực lượng vây bắt, là điều dễ hiểu, của một kẻ không có gì để mất và đã nghĩ tới phương án tự sát”, ông Hiếu phân tích.
Đành rằng, sau những vụ án mạng gia đình, các bị cáo phải chịu hình phạt thích đáng của pháp luật, song nỗi đau với những người còn lại sẽ còn đeo đẳng mãi. Trước thực tế này, phòng ngừa xã hội cần xem là giải pháp được ưu tiên hàng đầu.
Nhằm hạn chế xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm cá nhân có hành vi vi phạm để làm gương, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, đặc biệt là pháp luật hình sự. Bên cạnh đó, mỗi gia đình phải chú trọng giáo dục về đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho con em mình, tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên, kịp thời phát hiện và hóa giải các xung đột, không để dồn nén kéo dài. Ngoài ra, ở các khu vực dân cư, khi phát hiện mâu thuẫn trong các gia đình, các ban ngành đoàn thể cấp cơ sở cần tổ chức ngay việc hòa giải, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng".