Ông Hoàng Văn Thành, ngụ đội 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có đơn khiếu nại gửi Báo Công lý. Theo đó, vào năm 1991, gia đình ông đã khai hoang phục hóa được 3,13ha đất để trồng điều.
Năm 1996, Nông trường Cao su quy hoạch 3,13ha đất của ông Thành để trồng cao su. Gia đình ông Thành đã đồng ý giao đất cho Nông trường Cao su. Sau đó, do đất này không nằm trong vùng quy hoạch nên năm 1998, Nông trường Cao su trả lại đất cho ông Thành. Thế nhưng, ông Thành chỉ nhận đất trên giấy, còn thực tế thì đất đã bị hai cá nhân khác chiếm đoạt, canh tác… Gia đình ông đã liên tục làm đơn khiếu nại từ nhiều năm nay nhưng không hiểu sao UBND huyện Xuyên Mộc vẫn không giải quyết dứt điểm.
Năm 1991, hưởng ứng chủ trương khai hoang phục hóa, phủ xanh đất trống đồi trọc, gia đình ông Hoàng Văn Thành đã khai hoang phục hóa được 3,13ha để trồng điều tại ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, BR - VT. Năm 1996, Nông trường Cao su đã quy hoạch 3,13ha đất của ông Thành để trồng cao su. Ông Thành đồng ý giao đất cho nông trường và ông Thành nhận số tiền bồi thường là 1.408.500 đồng. Sau đó, do đất này không nằm trong vùng quy hoạch nên năm 1998, Nông trường Cao su đã giao trả lại đất cho ông Thành. Ngày 16/4/1998, hai bên đã có biên bản làm việc. Ông Hoàng Văn Thành đã nhận lại đất và ông cũng trả lại cho nông trường số tiền 1.408.500 đồng.
Ông Hoàng Văn Thành đứng trên khu đất mà ông khai hoang từ năm 1991
Thế nhưng, vào đầu năm 1998, ông Thành thấy gia đình hai ông Hà Văn Kế và Trần Văn Sinh vào chặt điều của ông để trồng hoa màu. Ông Thành ngăn cản thì ông Kế và ông Sinh cho rằng: “Đây là đất nông trường bỏ hoang, chúng tôi không lấn chiếm đất của ông”. Hai bên đã xảy ra xô xát. Từ năm 1999, ông Thành liên tục làm đơn khiếu nại gửi UBND xã Hòa Hiệp và UBND huyện Xuyên Mộc. Theo biên bản làm việc ngày 29/3/2000 do ấp Phú Lộc tổ chức, ghi nhận: “Theo ý ông Kế và ông Sinh thì khi bắt tay vào làm, hai ông hoàn toàn không hề biết đất đó là của ai và cũng không hề được sự đồng ý của ai”. Ông Kế đã sử dụng diện tích khoảng 1,5ha; ông Sinh cũng sử dụng diện tích khoảng 1,5ha. Tại Báo cáo số 13 ngày 20/4/2000, UBND xã Hòa Hiệp xác định: Diện tích đất trên do ông Hoàng Văn Thành khai phá; năm 1997, ông Hà Văn Kế và ông Trần Văn Sinh vào chiếm phần đất này của Xí nghiệp Cao su để trồng màu. Dựa vào hồ sơ, Ban hòa giải của xã đã đề nghị ông Kế và ông Sinh phải trả lại toàn bộ diện tích đất cho ông Hoàng Văn Thành sử dụng. Thực hiện theo đề nghị của Ban hòa giải, hộ ông Kế và ông Sinh đồng ý trả lại toàn bộ diện tích đất mà hai ông đã lấn chiếm cho ông Thành, đề nghị cấp trên giải quyết.
Theo quy định pháp luật, đất tranh chấp mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện Xuyên Mộc. Không hiểu sao, chính quyền huyện Xuyên Mộc vẫn chưa chịu giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp này. Theo hồ sơ và các văn bản liên quan, ông Hoàng Văn Thành khai hoang và canh tác đất này từ năm 1991, khi Nhà nước quy hoạch đất trồng cao su thì ông đã giao đất cho Nhà nước, khi xác định lại đất không nằm trong quy hoạch thì ông Thành đã có biên bản nhận lại đất và hoàn trả tiền bồi thường; hai ông Hà Văn Kế và Trần Văn Sinh đã thừa nhận việc chiếm đất trái phép.
Đề nghị UBND huyện Xuyên Mộc nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng để khiếu nại kéo dài.