Huyền thoại đền Bạch Mã và sự tích ngựa thiêng về Hải Phòng

Hoàng Dung| 05/01/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ẩn sau câu chuyện huyền thoại đền Bạch Mã và sự tích ngựa thiêng về Hải Phòng giúp dân xây đình, là thông điệp về tinh thần tự tôn dân tộc và sự tiếp nối, tôn vinh các giá trị tốt đẹp của người xưa.

Ngựa là một trong những loài vật gắn bó với người Việt từ thời thượng cổ, kề vai sát cánh cùng nhân dân ta trong hoạt động lao động sản xuất lẫn chiến chinh bảo vệ bờ cõi. Vì vậy, gắn với ngựa là nhiều câu chuyện huyền thoại hóa linh thiêng. Sự tích đền Bạch Mã, cùng việc ngựa thiêng về Hải Phòng giúp dân địa phương xây đình tuy huyền ảo nhưng lại chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa của cổ nhân.      

Đời thường hóa linh thiêng

Ngay từ thời vua Hùng dựng nước, mỗi người Việt Nam ngay từ thuở nhỏ đều lớn lên cùng câu chuyện huyền thoại “chàng Gióng, cưỡi ngựa sắt biết thét ra lửa, lao vun vút ra trận, dũng mãnh diệt giặc Ân”. Khi trưởng thành, chúng ta ngầm hiểu Thánh Gióng là hình tượng ước lệ cho sức mạnh vô địch chống ngoại xâm của cả dân tộc, cũng như ngựa sắt thần thông chỉ là sản phẩm do trí tưởng tượng của tổ tiên, được nâng tầm từ chính những phẩm chất vốn có của những chú ngựa bình thường, sống gần gũi với người.

Ngựa trung thành, mạnh mẽ, giàu tốc độ không chỉ là phương tiện đi lại, mà còn gian khổ cùng người Việt kiên cường đánh giặc giữ nước trong buổi đầu sơ khai. Vì thế, ngựa được con người yêu quý thần thánh hóa và huyền thoại trở thành con vật linh thiêng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Câu chuyện ngựa trắng, giúp vua Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long, càng minh chứng rõ hơn cho điều này.

Theo cuốn Việt sử giai thoại của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, tương truyền khi Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư đến Đại La, đổi tên là Thăng Long. Nhà vua sai đắp lại thành, nhưng hễ thành đắp xong lại lở, bèn sai người đến cầu đảo tại đền thờ thần Long Đỗ. Chợt người cầu đảo thấy có con ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành một vòng, đi tới đâu, để vết chân tại đó, và cuối cùng vào đền rồi biến mất. Nhà vua biết là thần Long Đỗ hiển linh hóa thân vào con ngựa trắng giúp mình xây thành, nên cứ theo vết chân ngựa mà đắp thì thành không lở nữa, rồi nhân đó, phong thần làm thành hoàng của Thăng Long, trấn giữ, bảo vệ cho kinh kỳ.

Đền Bạch Mã một trong

Đền Bạch Mã một trong Thăng Long tứ trấn linh thiêng của Thủ đô 

Sau khi thành xây xong, vua sai người đúc tượng ngựa trắng tại đền để muôn đời sau thờ phụng và tên đổi tên thanh đền Bạch Mã bắt đầu xuất hiện từ đó. Các vua đời sau này cũng tôn kính mà phong thần Long Đỗ Bạch Mã tới Bạch Mã Quảng Lợi Tối Linh Thượng Đẳng Thần.

Ngựa thiêng về Hải Phòng

Bạch Mã là một trong tứ trấn nổi tiếng thành Thăng Long xưa (nay là thủ đô Hà Nội). Nhưng có một điểm khá thú vị mà không phải ai cũng biết là ở thành phố Hải Phòng cũng có nơi lấy thần Long Đỗ Bạch Mã làm Thành hoàng làng để thờ tự và sự tích xây đền cũng gắn liền với sự hiển linh của vị thần cưỡi con ngựa trắng. Đó là đình Lệ Tảo, ở phường Nam Sơn, (quận Kiến An).

Ông Nguyễn Văn Hứa, Trưởng ban Trị sự đình kể lại câu chuyện khá ly kỳ: “Tương truyền vào năm 1813, làng quyết định xây đình thờ thành hoàng làng “Bạch Thiên Quan Cán trúc tôn thần”, nhưng không hiểu sao đình cứ xây xong lại đổ, mấy năm liền không hoàn thành. Sau các cụ cao niên trong làng nhiều lần nằm chiêm bao thấy thần Long Đỗ cưỡi con bạch mã về báo mộng muốn giúp dân xây đình. Thế là ngay sau đó, làng phải cử người lên tận kinh thành để làm lễ, xin dấu, ấn của đền Bạch Mã. Kỳ lạ thay, kể từ đó đình làng nhanh chóng được hoàn thành và vững vàng qua bao thăng trầm thời gian cho đến tận ngày nay. Ghi nhớ công ơn này, nhân dân trong làng quyết định thờ thêm thần Long Đỗ Bạch Mã làm Thành hoàng, ngựa trắng trở thành vật thờ cúng thiêng trong đình”.

Tượng ngựa trắng được người dân thờ tại đình Lệ Tảo, phường Nam Sơn, quận Kiến An, (Hải Phòng)

Tượng ngựa trắng được người dân thờ tại đình Lệ Tảo, phường Nam Sơn, quận Kiến An, (Hải Phòng)

Câu chuyện xây dựng đình Lệ Tảo cũng như sự tích xây thành Thăng Long tuy mang đầy chất huyền ảo, kỳ bí, nhưng nó lại phản ánh tính liên tục và kế thừa trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng dân gian của người Việt. Đó là, sự tiếp nối mạch nguồn truyền thống, tri ân những bậc tiền nhân, anh hùng, danh nhân có công với làng, với nước và sự tự hào về mảnh đất Việt Nam địa linh nhân kiệt, nơi đâu cũng có thần linh phù trợ.

Vậy ra, dù ở đình thiêng cấp làng hay ở đền linh - một trong tứ trấn của Thủ đô, thì việc tạc tượng, thờ thần, xây dựng đền miếu, hương khói, truyền tụng những sự tích của người xưa, tưởng chừng như huyền ảo, kỳ bí, nhưng ngẫm ra cũng chỉ cốt nhằm mục đích “chuyển tải đến muôn đời tinh thần tự hào dân tộc và sự tôn vinh những giá trị tốt đẹp của thế tục mà thôi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyền thoại đền Bạch Mã và sự tích ngựa thiêng về Hải Phòng