Một dự án có vai trò quan trọng nhưng việc thi công đã khiến cho người dân đặt ra nhiều nghi vấn về chất lượng của công trình cũng như vai trò quản lý và năng lực của nhà thầu.
Dự án Hạ tầng nuôi trồng thủy sản (dự án) xã Mai Phụ và xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, được đầu tư xây dựng nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng các vùng nuôi thủy sản mặn, lợ để thu hút đầu tư từ các cá nhân, doanh nghiệp… Ngoài ra, dự án còn góp phần chuyển đổi các vùng đất làm muối kém hiệu quả, đất hoang hóa sang nuôi trồng thủy sản, đồng thời tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân không chỉ trên địa bàn và còn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới cho huyện.
Đây là điểm do Công ty Cổ phần xây dựng Hồng Ngọc thi công
Theo phản ánh cùng với những ghi nhận thực tế tại công trường có thể thấy phần nào những lo lắng, bức xúc của người dân là có cơ sở. Nhiều phần cấu kiện bê tông lát mái bị bể, vỡ; dầm chịu lực mái kênh được đổ bê tông nhưng lòi sắt ra ngoài, bị hoen rỉ, mái kênh lát không đều nên bị hở, vênh…
Trao đổi với PV, ông Phạm Mạnh Hồng, cán bộ kỹ thuật BQL đầu tư xây dựng huyện Lộc Hà cho biết, dự án được xây dựng tại các xã Mai Phụ và Hộ độ của huyện Lộc Hà, thuộc dự án nhóm B; Công trình Nông nghiệp và PTNT cấp III, do UBND huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư. Dự án do liên doanh Công ty cổ phần tập đoàn Hà Mỹ Hưng (có trụ sở đóng tại huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) và Công ty Cổ phần xây dựng Hồng Ngọc (trụ sở tại TP Hà Tĩnh) thi công và do Công ty Cổ Phần TV XD Cơ sở hạ tầng (trụ sở TP Hà Tĩnh) làm đơn vị giám sát.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 61 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp hơn 42 tỷ đồng. Nguồn vốn được lấy từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020 thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững (40 tỷ đồng), ngân sách của huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự án gồm các hạng mục như hệ thống thủy lợi thoát nước thải chính và hệ thống kênh thoát chính nội vùng, hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp điện…
Theo thiết kế, hệ thống thủy lợi kênh thoát nước thải chính có chiều dài 1696,8 m, điểm đầu (Km 0 +00) tại cống tiêu vùng nuôi tôm Bình Hà, điểm cuối (Km1 + 696,8) đổ ra cống Liên Châu (Cống 3 cửa xã Mai Phụ). Chiều rộng đáy kênh (đoạn từ Km0 – Km 0 + 600 là 4m; đoạn từ Km 0 + 600 đến Km 1 +210 là 5m; Đoạn từ Km 1 +210 đến Km1 + 570 là 6,5m); Đoạn từ Km 1 + 570 đến Km1 + 696,8 là 9m.
Kết cấu kênh: mặt cắt kênh hình thang, hệ số mái M=1,5, mái kênh được gia cố bằng khấu kiện bê tông đúc sẵn Rb 200, có kích thước (40*40*15) cm trong khung dầm bê tông, phía dưới đá dăm và vải địa kỹ thuật. Công trình trên tuyến bố trí 16 cống tiêu vào bằng bê tông cốt thép Rb 200#. Hệ thống kênh thoát nội vùng có chiều dài thiết kế L= 1427,57m. Đoạn từ Km 0 đến Km 1+25128, mặt cắt kênh hình chữ nhật với (B*H)= (1*1) m, kết cấu thành kênh bê tông cốt thép Rb 200#, dmax=2cm đổ lắp ghép…
Dầm kênh được đổ bê tông nhưng lòi sắt ra ngoài
Về những bất cập trên công trường mà PV phản ánh, ông Hồng thừa nhận một số điểm ở phần dầm mái do đơn vị thi công đổ bê tông cẩu thả và không đúng với thiết kế, còn về những cấu kiện bê tông lát mái bị bể vỡ là do quá trình lắp đặt bị hư hỏng nhưng đơn vị thi công chưa thay thế.
“Đoạn mà PV phản ánh đây là do Công ty Cổ phần xây dựng Hồng Ngọc thi công, những điểm này phía ban đã nắm được và đã lập biên bản, chúng tôi sẽ yêu cầu làm lại và làm đúng thiết kế”, ông Phạm Mạnh Hồng - nói và giải thích thêm do thời tiết vừa qua mưa nhiều nên việc khắc phục chưa được triệt để.
Một dự án xây dựng có đầy đủ các ban bệ liên quan từ quản lý, thi công đến giám sát và chi phí bỏ ra cho những khoản này không phải nhỏ nhưng lại để xảy ra nhiều điểm bất cập như vậy khiến dư luận phải đặt ra câu hỏi, liệu các bên đã làm hết vai trò của mình hay chưa?
Một số hình ảnh công trình xây dựng chưa đảm bảo chất lượng: