Nói đến huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) là nói đến một địa phương giàu tài nguyên lịch sử và văn hóa mà nổi trội, nhất là nền văn hóa Chămpa cổ xưa với Kinh thành Sư Tử (Simhapura) Trà Kiệu và Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Đây còn nơi duy nhất còn lưu giữ di tích của vương triều thời Chúa Nguyễn – Lăng mộ bà Đoàn Quý Phi. Nằm bên bờ biển dài và đẹp, có dòng sông Thu Bồn thơ mộng xuyên suốt với những làng quê dọc ven sông, đặc biệt là sự tồn tại lâu đời của một nền văn minh Chămpa rực rỡ, tạo cho huyện Duy Xuyên một tiềm năng du lịch to lớn… Cơ hội phát triển du lịch Duy Xuyên gắn liền với sự phát triển du lịch Quảng Nam, Hội An, Đà Nẵng và Huế. Huyện Duy Xuyên đã và đang liên kết chặt chẽ với các địa phương nói trên để xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của vùng.
Khách Tây thích thú tham quan Khu đền tháp Mỹ Sơn
Khai thác tài nguyên du lịch hợp lý, tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh du lịch chặt chẽ, không những đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành du lịch, mà còn có tác dụng kích thích các ngành khác cùng phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng cao. Nhận thức được điều đó, huyện Duy Xuyên đã và đang tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, khai thác, phát huy nguồn lực từ bên trong, tập trung xây dựng Duy Xuyên sớm trở thành huyện trọng điểm du lịch của tỉnh Quảng Nam.
Trong những năm qua huyện Duy Xuyên đã chủ trương phát huy lợi thế của Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, lấy Mỹ Sơn làm trung tâm, điểm nhấn trong lộ trình xây dựng Duy Xuyên trở thành huyện trọng điểm về du lịch tại Quảng Nam bên cạnh Hội An.
Ngoài Khu đền tháp Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên lưu giữ nhiều di tích văn hóa, lịch sử như lăng mộ Bà Thu Bồn, lăng mộ Đoàn Quý Phi, tượng đài Vĩnh Trinh... Khu du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Vinh) sông nước mênh mang, lộng gió, với sản vật của sông, của biển.
Qua khảo sát thực tế Khu sinh thái Duy Sơn, Trà Nhiêu, vùng quê sinh thái yên bình (nơi đây không thu kém vùng sông nước như Cẩm Thanh – Hội An), du khách đổ về Trà Nhiêu có ngày gần 1.000 khách chứng tỏ Trà Nhiêu có đầy lực hấp dẫn khách quốc tế… Nhưng Mỹ Sơn vẫn là đầu tàu hỗ trợ tích cực vào qua trình phát triển du lịch Duy Xuyên… Do vậy, du lịch Duy Xuyên cần có một giải pháp phát triển phù hợp, liên kết tương tác hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa điểm du lịch trên địa bàn huyện. Có như vậy, du lịch Duy Xuyên sẽ cất cánh như sự kỳ vọng của nhân dân huyện nhà.
Du khách hóa thân thành ngư dân tại Làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu
Những năm trước, ngành du lịch- thương mại vẫn còn là cụm từ đặt sau các ngành kinh tế trong các báo cáo của cấp ủy, chính quyền, nhưng nay đang thay đổi vị trí. Trong năm 2017, công tác phát triển du lịch đã được các cấp lãnh đạo huyện Duy Xuyên tập trung chỉ đạo, việc xây dựng Đề án phát triển Du lịch Duy Xuyên đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, đã được HĐND huyện thông qua và ban hành Nghị quyết để tổ chức thực hiện.
Huyện Duy Xuyên cũng đã tích cực đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, gắn với xây dựng, chuẩn bị kế hoạch triển khai chương trình đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ chiến lược phát triển du lịch, hướng đến mục tiêu sau năm 2020 đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Trong năm, toàn ngành du lịch huyện Duy Xuyên đã thu hút gần 400.000 lượt khách, tăng 10,2% so với cùng kỳ; trong đó khách đến Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn trên 350.000 lượt, chủ yếu là khách quốc tế. Doanh thu ước đạt 55 tỷ đồng tắng 14,5%. Chính quyền và nhân dân huyện Duy Xuyên đang tìm cách đổi mới phát triển du lịch, quyết tâm đột phá để đưa ngành du lịch thực sự trở thành mũi nhọn kinh tế, khai thác tiềm năng còn để lãng phí.
Một góc phố thị Nam Phước – Duy Xuyên
Nhìn vào bức tranh du lịch huyện Duy Xuyên, ngoài Mỹ Sơn tạo ấn tượng trong lòng mỗi du khách và mang lại doanh thu lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, lượng khách đến tham quan các vùng phụ cận còn khá khiêm tốn. Trong chừng mực nào đó, năng lực cạnh tranh còn thấp, công tác xúc tiến quảng bá chưa phát huy hiệu quả, vấn đề môi trường du lịch chưa được giải quyết, hạ tầng du lịch dù được đầu tư nhưng vẫn còn hạn chế, sản phẩm du lịch tạo ra thiếu tính sáng tạo và bản sắc riêng là những rào cản phát triển du lịch hiện nay.
Để tăng tốc phát triển kinh tế du lịch, cải thiện đời sống nhân dân, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo lập hệ thống giao thông thông suốt từ vùng đông đến vùng tây. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư một số điểm giải trí gắn với hệ thống khách sạn, nhà hàng ở Mỹ Sơn. Nâng cao năng lực quản lý và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực thông qua chính sách đãi ngộ nhân tài.
Do vậy ngay từ bây giờ huyện Duy Xuyên phải tích cực đầu tư xây dựng các vệ tinh du lịch như: Làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu, Kinh đô Trà Kiệu, Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu; các sản phẩm làng nghề truyền thống Lụa Mã Châu…Có như vậy du khách không chỉ đến Mỹ Sơn mà còn tham quan, trải nghiệm những điểm du lịch đầy tiềm năng của huyện Duy Xuyên.