“Hùm xám đường số 4” và cuốn “binh thư yếu lược thu nhỏ”

19/07/2012 07:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đều đặn, tinh mơ mỗi sáng, một cụ già đã 93 tuổi dậy đi chơi tennis. Trên gác 4, khu tập thể cũ của Bộ Xây dựng ở ngõ Quỳnh - Minh Khai (Hà Nội), cụ già ấy sống lặng lẽ, biệt lập như lánh đi sự ồn ã của phố xá ngoài kia...

Ít ai biết ông có một quá khứ lẫy lừng gắn với đời binh nghiệp. Trong suốt những năm 1947-1950, gắn với con đường số 4, dọc biên giới Việt - Trung vùng núi Việt Bắc, người Trung đoàn trưởng của 1 trong 2 trung đoàn chủ lực đầu tiên của đội quân non trẻ ấy đã làm cho kẻ thù thất điên bát đảo: Quân viễn chinh Pháp gọi ông là “Con hùm xám đường số 4” hay “tiểu Napoleon”, còn bà con ta ở các tỉnh Cao-Bắc-Lạng tôn kính gọi ông là “Đệ Tứ quốc lộ đại vương”. Ông là Đặng Văn Việt.

Truyền thống gia đình

Tổng kết đời chiến trận, ông Đặng Văn Việt đã chỉ huy 130 trận đánh, và thắng 116 trận… Đang ở cấp hàm Trung tá, thì như định mệnh, ông chuyển ngành sang dân sự, làm Cục phó Cục Vật liệu của Bộ Xây dựng trước khi nghỉ hưu. 

 

Ở Nghệ An quê ông, Đặng tộc là một trong 8 họ lớn. Ông nội ông là cụ Hoàng giáp Đặng Văn Thụy, bố ông là Đặng Văn Hướng - người duy nhất là Thượng thư của 3 triều đại: Bảo Đại, Chính phủ Trần Trọng Kim và Chính phủ Hồ Chí Minh. Ông nói, con người có tổ có tông, tự hào về nguồn cội mới làm việc lớn, có “ích nước lợi dân” được. 

 

“Hùm xám đường số 4” và cuốn “binh thư yếu lược thu nhỏ”

“Con hùm xám” Đặng Văn Việt thời trai trẻ

 

Khi đang học trường Thanh niên tiền tuyến của Phan Anh, ngày 21-8-1945, Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương (tức Cao Pha), là 2 người trèo lên kỳ đài trong Đại nội Huế hạ cờ của triều đình phong kiến, treo cờ đỏ sao vàng của cách mạng lên, trước mặt vua Bảo Đại và hàng trăm họng súng. 

 

Năm 1980, ông nghỉ hưu. Với vốn văn hóa và kiến thức thực tiễn phong phú, khi nghỉ hưu ông đã viết sách. Gần 10 cuốn, hình như cuốn nào của ông cũng gây được tiếng vang: Cuốn hồi ức “Người lính già Đặng Văn Việt- chiến sĩ đường số 4 anh hùng” đã được dịch sang tiếng Pháp, và được giải nhất Văn học thế giới thể loại hồi ký năm 2004; cuốn “Đường số 4 rực lửa” được tặng giải A của Liên hiệp Văn học nghệ thuật toàn quốc… Đặc biệt, gần đây, khi cuốn sách “Người lính già kể chuyện dân tộc Việt Nam 4.000 năm chống xâm lược” gây được tiếng vang lớn. 

 

Binh thư yếu lược thu nhỏ

 

Về cuốn sách này, ông Đặng Văn Việt nói: Cuối năm 1990, một hôm anh Nguyễn Khắc Viện, giám đốc NXB Ngoại văn mời tôi đến gặp. Anh nói: “Nhiều bạn nước ngoài nói với tôi: Nước Việt Nam của các anh có một lịch sử lâu đời chống ngoại xâm, cho đến giờ chưa có một cuốn sách nào nói về lịch sử quân sự Việt Nam từ cổ xưa đến ngày nay. Chỉ có những cuốn sách viết về từng trận, hay từng giai đoạn, chưa có một bức tranh toàn cảnh về lịch sử quân sự Việt Nam. Tôi muốn đề nghị anh chủ trì cho việc biên soạn cuốn sách lớn này”. Tôi trả lời: “Tôi không tốt nghiệp khoa sử, không dạy sử, không viết sử làm thế nào làm được việc lớn này, anh nên tìm người khác”. Anh Viện cười và nói: “Tôi tin là với những tư liệu và trình độ của anh, anh có thể làm được việc này”.  

 

Khước từ không được, ông đành phải nhận. Một cuộc họp được triệu tập bởi đồng chí Mai Lý Quảng - Giám đốc NXB Thế giới mới, có mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, Trung tướng Hoàng Phương - Giám đốc Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam, và tôi - Đặng Văn Việt - nguyên Trung đoàn trưởng 174, nguyên chỉ huy Mặt trận Cao-Bắc-Lạng và một số đại tá.

 

“Hùm xám đường số 4” và cuốn “binh thư yếu lược thu nhỏ”

Ông Đặng Văn Việt lúc về già

 

Hôm đó là 30-1-1993, hội nghị đã có một số nghị quyết, giao cho ông làm chủ nhiệm, cuốn sách với tựa “Việt Nam một phác thảo lịch sử quân sự”, thời gian trong 3 năm. Với tác phong của người lính, đã nhận một nhiệm vụ thì dù có phải khó khăn gian khổ đến mấy, dù có phải hi sinh cũng quyết làm cho kỳ được. Hàng ngày ông vùi đầu vào thư viện, lục sách, tìm tòi, mò mẫm viết đề cương, thông qua các đồng chí chủ chốt. Công việc tuy mới ban đầu nhưng qua đề cương ai cũng hình dung được là một công trình đồ sộ, vĩ đại, với 5 mục lớn (khái quát lịch sử quân sự, những trận đánh lớn, danh nhân quân sự, thiên cổ hùng văn, những bài học lớn). Ông tự cảm thấy như lạc vào “rừng già Cúc Phương”, nội dung bao trùm một thời gian dài 3- 4.000 năm. Không gian cả nước.

 

Sau 3-4 năm, cuốn sách đã hình thành, tiền thuê đánh máy, đánh vi tính, in, photo ra nhiều bản, khá tốn kém. Bản thảo được photo chất như đống rơm nhỏ trong nhà. Đồng lương hưu ít ỏi, tiền làm thêm, rồi anh em bạn bè hỗ trợ, tất cả đều “chui” vào cuốn sách! Ông viết xong cuốn sách mất 3 năm, để dành 1 năm cho hội thảo, với 4 cuộc hội thảo và sửa chữa. Hàng trăm đại biều, các học giả, các giáo sư, tướng, tá góp ý một cách nhiệt tình, tích cực cho cuốn sách. Đây là cuốn sách độc nhất vô nhị, một công trình quy mô về lịch sử, kinh nghiệm quân sự 4.000 năm, được coi là “Binh thư yếu lược thu nhỏ”, hay “Bách khoa thư quân sự thu nhỏ”.

 

Nhân dân Việt Nam có một truyền thống vô cùng vĩ đại về giữ nước, về chống ngoại xâm. Đến năm 1975, Việt Nam bị trên 20 lần xâm lược, trên 20 lần đã đánh đuổi quét sạch bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi- kẻ xâm lược đã là loại mạnh nhất nhì của thế giới lúc bấy giờ (Trung Quốc 16 lần, Mông Cổ 3 lần, Pháp 2 lần, Mỹ 1 lần, Nhật 1 lần). Qua các thời đại, ta có thể nói lên một chân lý: “Việt Nam không thể bị đánh bại cũng như thế giới không thể thiếu nền văn minh!”. 

 

Như vậy, Việt Nam là “cường quốc chống xâm lược”, không nước nào bị xâm lược nhiều như Việt Nam. Không thời kỳ nào, Việt Nam lại không “va chạm” với một cường quốc mạnh nhất nhì của thế giới vào thời điểm đó, nhưng cuối cùng Việt Nam luôn đuổi được quân xâm lược, giữ được bờ cõi, bảo vệ được văn hóa dân tộc mình. 

 

Cuối cùng, ông đúc rút ra 8 bài học lớn về giữ nước của người Việt là từ nhỏ đánh lớn, từ ít địch nhiều, không hề giống Tôn Tử, Hàn Tín, Khổng Minh ở Tàu, hay Napoleon, Alexander… mà đó là đặc điểm của người Việt Nam. 

 

Trượng phu nhưng mưu mẹo

 

Cứ 5 năm, nhà nước Pháp lại làm lễ kỷ niệm sự thất bại ở chiến dịch Biên giới năm 1950. Bởi lẽ, với chiến dịch Biên giới, là lần đầu tiên quân đội viễn chinh Pháp bị thất bại lớn ở hải ngoại.

 

Năm 2005, đoàn cựu chiến binh của Pháp ở Đông Dương xưa (gọi tắt là ANAPI) đã về thăm lại chiến trường xưa. Họ đã kể lại, rằng khi đó họ đã ngạc nhiên vì những người chỉ huy và lính không đeo quân hàm ăn chung với nhau những khẩu phần ít ỏi, trong khi suất ăn của tù binh có khi gấp đôi, gấp ba họ. Bộ đội Việt Nam nhường cả thuốc men cho tù binh. Ở trại Cao Bằng có cả hai Đại tá Charton và Lepage, sau về Pháp, Charton đã viết bài báo “Nhà tù không có song sắt” kể về những điều trên, họ hiểu ra: đúng là cuộc chiến tranh của nhân dân, của toàn dân. Nước Pháp không thể thắng được là vì thế! 

 

Chính sách khoan hồng với tù binh, Cụ Hồ ứng dụng sách lược “tâm công” của bậc tiền nhân Nguyễn Trãi hình như chưa một nước nào giống thế! Với truyền thống “đem đại nghĩa thắng hung tàn”, tinh thần trượng phu, đối xử với tù binh “quá tốt” như vậy mà những cái tên như Võ Nguyên Giáp, Đặng Văn Việt… được kẻ tù tôn trọng. Sau 50 năm, Trung tá Cornuault, một thành viên của ANAPI viết thơ thăm ông Việt, có câu: “Chúng tôi, những cựu chiến binh Pháp, đánh giá ngài rất đúng đắn, tất cả chúng tôi đều thống nhất nhận định rằng ngài là một chiến binh thẳng thắn và đầy tính trượng phu nhưng mưu mẹo và tinh quái một cách khủng khiếp”.

 

Liên Phạm

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hùm xám đường số 4” và cuốn “binh thư yếu lược thu nhỏ”