Hợp nhất 3 Văn phòng cấp tỉnh: Thí điểm không thành công thì trở về như cũ

Ngọc Mai| 02/06/2020 10:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 1 năm thực hiện thí điểm việc hợp nhất 3 Văn phòng ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh, UBTVQH nhận thấy kết quả chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đặt ra đã, nhiều ý kiến đề nghị để 3 văn phòng trở về hoạt động như cũ khi thời hạn thí điểm đã kết thúc.

Chiều ngày 01/6, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

 Hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, giữ nguyên Văn phòng UBND

Theo báo cáo, trong tổng số 12 địa phương tổ chức triển khai thì có 11 địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương đã thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND thành phố.

Hợp nhất 3 Văn phòng cấp tỉnh: Thí điểm không thành công thì trở về như cũ

Quang cảnh phiên họp

Theo Chính phủ, ưu điểm của phương án thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng là giảm tối đa đầu mối tổ chức Văn phòng, số lượng tổ chức bên trong của Văn phòng, số lượng lãnh đạo quản lý. Kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc của Văn phòng được tập trung một đầu mối quản lý.

Còn ưu điểm của phương án thí điểm hợp nhất 2 Văn phòng tại TP HCM là vừa giảm đầu mối tổ chức Văn phòng, số lượng lãnh đạo quản lý, tập trung 1 đầu mối tham mưu, giúp việc và phục vụ Đoàn ĐBQH và HĐND, vừa bảo đảm thực hiện chức năng giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước đối với việc thực hiện quản lý nhà nước của các cơ quan chấp hành tại TPHCM.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, mô hình hợp nhất 2 văn phòng ở TP. HCM được các địa phương cho rằng hợp lý nên cần nghiên cứu. 

Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ rõ còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: Văn phòng chung thực hiện chức năng tham mưu, phục vụ nhiều đối tượng khác nhau với ba chủ thể cấp trên trực tiếp chỉ đạo nên khó đảm bảo tính khách quan trong hoạt động tham mưu đối với công tác quản lý nhà nước của UBND, công tác giám sát của HĐND và Đoàn ĐBQH.

“Khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác tham mưu, giúp việc đồng thời cho 2 hệ thống cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ và cho rằng, việc hợp nhất còn mang tính cơ học, chỉ giảm đầu mối người đứng đầu, chưa giảm được cấp phó và công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng.

Từ thực tế trên, đa số các địa phương triển khai thực hiện thí điểm kiến nghị chỉ nên thực hiện hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND cấp tỉnh và giữ nguyên Văn phòng UBND cấp tỉnh. Chính phủ cũng thống nhất với kiến nghị này, đồng thời đề nghị, trong điều kiện chưa sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội thì cho phép các địa phương đã thực hiện thí điểm tiếp tục duy trì mô hình cho đến khi Luật được ban hành và có hiệu lực.

Hết thí điểm thì trở về như cũ

Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến cho rằng, việc thí điểm hợp nhất 03 văn phòng còn mang tính cơ học, chưa thực sự mang lại hiệu quả, mới chỉ giảm đầu mối người đứng đầu (Chánh Văn phòng và người đứng đầu đơn vị thuộc Văn phòng), chưa giảm được cấp phó và công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Văn phòng ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND giúp việc cho 03 chủ thể khác nhau với các thiết chế biệt lập, nên khi hợp nhất năng lực tham mưu đều bị hạn chế và rất khó khăn.

Hợp nhất 3 Văn phòng cấp tỉnh: Thí điểm không thành công thì trở về như cũ

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng: Đề nghị để 03 văn phòng trở về hoạt động như cũ khi thời hạn thí điểm đã kết thúc

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, việc thí điểm hợp nhất Văn phòng ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh đã thể hiện việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương.

Thời gian qua đã có 9 tỉnh chấp hành nghiêm túc Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trừ Thành phố Hồ Chí Minh không thực hiện. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần kiểm điểm và làm rõ ngay tại Báo cáo lý do vì sao lại lại để Thành phố Hồ Chí Minh không chấp hành, thực hiện Nghị quyết thí điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với đề xuất của Chính phủ về việc giữ mô hình tổ chức Văn phòng UBND cấp tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, chỉ thực hiện hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết không đồng tình. Bởi lẽ, Đoàn ĐBQH và Văn phòng Đoàn ĐBQH được lập ra với rất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn đã quy định rõ trong Nghị quyết số 1097 ngày 22/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Muốn đổi mới ở cả 3 văn phòng thì phải đổi mới cái bên trong, tức là nâng cao chất lượng của các văn phòng.

Hơn nữa, nếu căn cứ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì có cơ sở hợp nhất Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND. Vì Điều 4, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 2 Luật này”. Vậy tại sao chỉ bàn Văn phòng UBND độc lập mà không bàn đến phải có văn phòng phục vụ chung chính quyền địa phương? Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đặt vấn đề.

Bày tỏ quan điểm của mình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, Văn phòng ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND là 03 tổ chức với những quyền hạn, vai trò và nhiệm vụ khác nhau, có vị trí pháp lý độc lập, nên cần có Văn phòng riêng để tham mưu, phục vụ.

Về hiệu quả của việc thí điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng bước đầu chưa đạt được hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, qua thực tế tham dự các hội nghị, hội thảo về nội dung này tại các địa phương thực hiện thí điểm, đa số đại diện HĐND ở các địa phương này đều không tán thành với việc hợp nhất và chỉ ra nhiều hạn chế, khó khăn. Do vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị để 03 văn phòng trở về hoạt động như cũ khi thời hạn thí điểm đã kết thúc.

Liên quan đến nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm: Cái gì chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì chưa vội sửa Luật. Việc thí điểm hợp nhất 3 văn phòng đa số ý kiến cho rằng thực hiện không đạt yêu cầu thì cho về như hiện hành. Còn vấn đề có nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND hay không phụ thuộc vào việc xin ý kiến địa biểu để sửa Luật Tổ chức Quốc hội sắp tới.

“Giờ chưa sửa luật thì về như cũ vì giờ tiếp tục thực hiện thì dựa theo cái gì? Sau 1 năm tôi thấy không thành công, hết thí điểm thì trở về như cũ, cái gì chưa rõ thì thảo luận tiếp”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sau 01 năm thực hiện thí điểm, việc hợp nhất Văn phòng ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu mong muốn đặt ra.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, góp ý tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện lại Báo cáo để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội với những vấn đề đã được các đại biểu chỉ ra; đồng thời báo cáo với Bộ Chính trị về kết quả thực hiện thí điểm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp nhất 3 Văn phòng cấp tỉnh: Thí điểm không thành công thì trở về như cũ