Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, bão số 10 là cơn bão rất nguy hiểm, di chuyển nhanh do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên diễn biến khó lường, và được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây khi đi vào Biển Đông.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, cường độ bão số 10 tiếp tục mạnh lên trên đường di chuyển. Dự báo nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình ở cấp 12 vào đêm ngày 15, rạng sáng ngày 16 tháng 9; vùng ảnh hưởng của bão có bán kính lên đến 500km. Mưa kèm theo bão tập trung ở Bắc Trung bộ đến Thừa Thiên Huế; các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình lượng mưa từ 100 đến 300mm.
Cảnh báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn đã phải nâng lên thành cấp 4 đối với bão số 10, trong khi hầu hết những cơn bão trước đều ở cấp 3 và dưới cấp 3.
Ngay trong sáng nay (13/9), tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai triển khai các biện pháp ứng phó bão số 10.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại cuộc họp, triển khai các biện pháp ứng phó bão số 10
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, bão số 10 là cơn bão rất nguy hiểm, di chuyển nhanh, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên diễn biến khó lường, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.
Trong thời điểm các hồ chứa thủy điện đang xả lũ và những tổn thương do thiên tai gây ra ở các địa phương thời gian qua đã và đang được khắc phục, nay cộng thêm với tác động của bão sẽ làm tăng thêm những hậu quả khôn lường nếu chủ quan trong ứng phó.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phải cập nhật thường xuyên về diễn biến bão để đưa ra dự báo sát thực tế, với độ chính xác nhất để tham mưu Ban chỉ đạo và thông tin kịp thời đến người dân và các địa phương.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là khẩn trương kêu gọi tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm từ vĩ độ 13 đến vĩ độ 19. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa xem xét lệnh cấm biển từ ngày mai (14/9), có phương án di dời người dân đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và phương tiện khi neo đậu, nhất là tàu du lịch, tàu vãng lai.
Đối với sản xuất nông nghiệp, khẩn trương thu hoạch lúa mùa theo tinh thần “Xanh nhà hơn già đồng”, không gieo trồng vụ Đông trong thời điểm này, đảm bảo tiêu nước đệm vũng trũng thấp.
Về đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, tiếp tục xả hồ Sơn La 2 cửa đáy, hồ Hòa Bình duy trì xả 3 cửa đáy, phát điện tối đa tất cả các tổ hợp suốt ngày đêm. Yêu cầu ngành điện thực hiện nghiêm ý kiến của Ban chỉ đạo, với tình hình này hoàn lưu bão gây mưa lớn có thể tiếp tục phải xả thêm cửa đáy.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng phạm vi bão đổ bộ rộng kèm theo mưa lớn, vùng bão đi qua đang có nhiều tàu thuyền hoạt động, đặc biệt là khu vực miền núi có độ dốc rất nguy hiểm, vì vậy các biện pháp ứng phó phải chủ động và quyết liệt tránh tư tưởng chủ quan.