Hòn Tàu - Chiến khu của niềm tin chiến thắng

Hải Nam| 30/04/2019 10:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tháng Tư về, hoa sen lại nở trên những cánh đồng Trà Lý như một dấu mốc đều đặn nhắc nhớ những hào hùng một thời hoa lửa, trên từng mảnh đất, ngôi làng. Đó cũng là khoảnh khắc đầy xúc động cho những hồi tưởng của biết bao chứng nhân lịch sử…

Chiến khu của niềm tin

Con đường dẫn lên Khu di tích lịch sử cách mạng Hòn Tàu len lỏi giữa cánh rừng. Đứng trên đỉnh nhìn xuống là mênh mang đồng bằng phía dưới. Nhà bia di tích đã nghi ngút khói hương…

Trong hai cuộc kháng chiến vừa chống Pháp và Mỹ, Hòn Tàu với rừng rậm, địa thế hiểm trở, nhiều hang động có sức chứa hàng ngàn người đã trở thành một căn cứ quan trọng. Đây là cơ quan đầu não của Xứ ủy Trung kỳ (trước 1945), Đặc khu Quảng Đà (1967 - 1975). Nơi đây một thời tập trung cả bệnh viện, kho bạc, nhà in, trường học… Những di tích về Đặc khu ủy Quảng Đà đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 2012.

Hòn Tàu là dãy núi giáp ranh giữa các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn và Quế Sơn của tỉnh Quảng Nam. Với vị trí chiến lược chủ yếu rừng rậm bao phủ và nhiều hang đá trú ẩn nên nơi đây đã được Đặc Khu ủy Quảng Đà chọn làm căn cứ cách mạng để quyết định nhiều chủ trương quan trọng và thực hiện chỉ đạo các cuộc tiến công chiến lược, hoàn thành chiến dịch giải phóng Đà Nẵng năm 1975. Dưới sự lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà, quân và dân Quảng Nam, Đà Nẵng đã liên tục mở nhiều đợt tấn công, đỉnh cao là cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và tiến đến đập tan căn cứ quân sự lớn nhất nhì miền Nam, giải phóng TP. Đà Nẵng.

Hòn Tàu - Chiến khu của niềm tin chiến thắng

Lễ Khánh thành Khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà (ảnh tư liệu)

Từ căn cứ Hòn Tàu, Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà đã chỉ đạo cuộc tổng tấn công chiến lược năm 1972 thu được nhiều thắng lợi lớn. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris ký kết, Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà họp quyết định nhiều chủ trương quan trọng, nhất là việc giữ đất, giành dân khi Hiệp định có hiệu lực. Sang năm 1974, Thường vụ Đặc khu ủy chỉ đạo  quyết liệt, tập trung cao nhất lực lượng phục vụ chiến dịch Hè-Thu, đặc biệt sau 10 ngày chiến đấu quyết liệt, Sư đoàn 304 đã làm chủ hoàn toàn Chi khu quân sự Thượng Đức. Sau đó Thượng Đức mất, Đà Nẵng bị uy hiếp, phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh, chính quyền Sài Gòn đã phải điều lực lượng ra tái chiếm Thượng Đức nhưng sau 4 tháng thì thất bại...

Ngày 18/3/1975, đồng chí Trần Thận lên Khu ủy 5 nhận lệnh giải phóng Đà Nẵng. Từ ngày hai đến 25/3/1975, Đặc Khu ủy họp quán triệt mệnh lệnh Khu ủy, thảo luận kế hoạch tấn công và nổi dậy... Sáng 28/3/1975, từ căn cứ Hòn Tàu, tất cả các cán bộ chỉ huy của Khu ủy và Đặc Khu ủy Quảng Đà chia làm 2 hướng tiến về Đà Nẵng. Quân địch trong thành phố dao động và hoang mang cực độ, ta đã làm công tác binh vận để 4.000 lính tân binh đóng tại Trung tâm Huấn luyện Hòa Cầm nổi dậy làm binh biến... Sáng 9/3, đồng chí Trần Hưng Thừa-Thường vụ Đặc Khu ủy phát lệnh khởi nghĩa nội thành.Cơ sở của ta đã nhanh chóng vận động nhân dân dùng mọi phương tiện vận chuyển đón bộ đội vào thành phố. Trưa 29/3, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa Thị chính, thành phố được giải phóng. Ngay sau khi giải phóng Đà Nẵng, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã chỉ đạo tốt công tác đảm bảo ANTTXH, cung cấp nhân tài vật lực phục vụ tiếp việc tấn công giải phóng các tỉnh phía Nam và TP. Sài Gòn-Gia Định, thống nhất đất nước.

Hòn Tàu - Chiến khu của niềm tin chiến thắng

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng dâng hương tại Chiến khu Hòn Tàu

Chiến khu của lòng dân

Giữa trùng trùng đạn bom, pháo kích, chốt gác “dày như mía”, những cơ sở cách mạng trong lòng dân vẫn vững vàng. Vừa che giấu, bảo vệ cho cán bộ, vừa tìm cách thông tin tình hình địch, tiếp tế lương thực cho căn cứ. Những con đường từ Hòn Tàu đi vùng đông Duy Xuyên, qua Điện Bàn, lên Đại Lộc luôn được giữ. Thời đó, mỗi người dân là một dũng sĩ cách mạng.Không chỉ sản xuất, cất giấu và tìm cách chi viện lương thực cho bộ đội, cho cách mạng, không ít người là du kích địa phương trực tiếp cầm súng chiến đấu với địch.Sắn khoai, rau quả, từng hạt lúa chắt chiu để dành cho cán bộ, cho bộ đội ở Hòn Tàu.

Với những người dân bước ra từ khói lửa chiến tranh, tuổi tác không làm họ quên lãng những chuyện xưa. Khi núi Hòn Tàu thành nơi đóng chân của Đặc khu ủy, người dân nơi này lại theo vào vùng giải phóng là cánh đồng Trà Lý sát chân núi Hòn Tàu này. Địch khủng bố, đe dọa, bao phen pháo kích, bom bầy, họ vẫn kiên quyết bám trụ.Họ kiên gan như cây cỏ ở Hòn Tàu, bị vạt trụi sau trận bom cày rồi lại lên xanh.Mà không chỉ dân Trà Lý. Địch dồn dân xuống Trà Kiệu, bà con tranh thủ lúc đi sản xuất để gặp gỡ, cung cấp thông tin cho cán bộ nắm tình hình. Lon gạo, bao sắn gửi lại nơi đầu hồi để tối đến, du kích, bộ đội từ trên núi xuống lấy về nuôi đơn vị.Dân ở vùng này cả đời theo Đảng, theo cách mạng. Dù có khó khăn, gian khổ vẫn một lòng như vậy. Lúc địch điên cuồng bố ráp nhất, lúc cuộc chiến đấu căng thẳng nhất, cả vùng Trà Lý gần như trắng cây cối, nhưng dân vẫn ở lại với cách mạng đến cùng.

Người dân dưới chân núi Hòn Tàu, như một chốt gác nơi cửa rừng, đánh bật không ít đợt càn của địch vào căn cứ, cùng bộ đội chiến đấu giữ từng hang đá. Những hồi ức, giờ vun đắp thành niềm tự hào về quê hương, về vùng linh địa của cách mạng đến ngày độc lập.

Chúng tôi đi qua những hồ sen nơi lưu giữ chất hương của trời đất, qua bãi bờ Trà Lý, con nước dưới chân đập như tấm gương soi nền trời. Di tích lịch sử cách mạng Hòn Tàu được phục dựng, đánh thức niềm tự hào của vùng “đất đỏ” - nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nơi tìm về của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ thời gian khó và cả kỳ vọng đầu tư, những ước mơ đang thành hình…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòn Tàu - Chiến khu của niềm tin chiến thắng