Trong 10 năm, toàn quốc đã tổ chức 9.429.104 cuộc Phổ biến giáo dục pháp luật và cấp phát miễn phí hơn 500 triệu bộ tài liệu về công tác này cho nhân dân…
Đây là kết quả đáng chú ý mà Hội nghị Tổng kết thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Bộ Tư pháp tổ chức chiều 22/12. Hội nghị tổng kết với sự tham gia của đại diện các cơ quan tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các cơ quan liên quan.
Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc cho biết, qua 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, Luật PBGDPL đã phát huy vai trò là thiết chế nền tảng để tạo lập khuôn khổ pháp lý đưa công tác PBGDPL hoạt động và phát triển ổn định, ngày càng có chiều sâu, thực chất, hiệu quả, góp phần đảm bảo quyền được thông tin pháp luật; hình thành thói quen chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Kết quả thực hiện PBGDPL cũng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.
Nội dung PBGDPL theo hướng ngày càng đa dạng, phong phú hơn, bám sát các quy định của Luật PBGDPL, nội dung PBGDPL trọng tâm hằng năm luôn được các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương hướng tới đáp ứng nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp, yêu cầu quản lý Nhà nước, thực tiễn thi hành pháp luật.
Thể chế về PBGDPL đã cơ bản được hoàn thiện, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ, tạo cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương triển khai công tác PBGDPL có hiệu quả. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL từng bước được cải thiện, nâng cao; nội dung PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành, địa phương.
Trong 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, toàn quốc đã tổ chức 9.429.104 cuộc PBGDPL trực tiếp; biên soạn và cấp phát miễn phí 511.988.157 tài liệu PBGDPL, trong đó có nhiều tài liệu phổ thông được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều hình thức mới để “mềm hoá” thông tin pháp luật đã được triển khai như: Giới thiệu văn bản bằng trình chiếu kết hợp hình ảnh, phim tư liệu, sân khấu hoá, lồng ghép trong các phong trào, biểu diễn văn hoá văn nghệ, hội trại…
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PBGDPL chưa được sự quan tâm đúng mức ở một số cơ quan, tổ chức; công tác phối hợp trong triển khai công tác PBGDPL tại nhiều nơi chưa thực sự được coi trọng; việc định hướng nội dung PBGDPL đôi lúc chưa sát với nhu cầu thực tiễn, còn dàn trải, có lúc chưa trọng tâm, trọng điểm; cơ sở vật chất, kinh phí dành cho công tác PBGDPL chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa hoặc những địa bàn khó khăn…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện các đơn vị trình bày tham luận và cùng thảo luận những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, những bài học trong thực tiễn triển khai thi hành Luật PBGDPL ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình; từ đó đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Kim Ánh, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, trọng tâm là Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp. Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Hội đồng Phối hợp PBGDPL và các thành viên của Hội đồng trong việc tham mưu tổ chức thực hiện kế hoạch PBGDPL ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương, bảo đảm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách phát luật của Nhà nước đều được phổ biến kịp thời, đầy đủ.
Theo bà Mai Thị Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, để đổi mới công tác này trong thời gian tới, cần thống nhất nhận thức công tác giáo dục pháp luật là một phần hoạt động chuyên môn quan trọng của ngành giáo dục, trọng tâm hướng vào người học, lấy giáo dục tuân thủ pháp luật làm gốc rễ. Đồng thời đổi mới hình thức PBGDPL theo hướng đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn và hiệu quả.
Theo ông Ngô Quang Tiến, Phó Trưởng phòng Pháp luật Hành chính, Vụ Pháp chế, Bộ Quốc Phòng: Trước hết, muốn thực hiện tốt công tác PBGDPL nói chung, Luật PBGDPL nói riêng thì phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa, vai trò của công tác PBGDPL. Có nhận thức đúng thì mới có hành động đúng, kịp thời, hiệu quả. Thực tế còn có nơi nhận thức chưa đúng, thậm chí nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của công tác PBGDPL nhưng cho rằng chưa cấp thiết nên không kịp thời tổ chức các hoạt động PBGDPL dẫn đến hiệu quả PBGDPL chưa cao.
Tiếp đến là phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, thống nhất của cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy các cấp; đồng thời, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, trong đó cấp ủy Đảng, người chỉ huy chịu trách nhiệm chính trong công tác này; Chú trọng xây dựng và phát huy tốt vai trò lực lượng nòng cốt trong công tác PBGDPL, như: Cơ quan chính trị, cơ quan pháp luật, báo chí, Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh công tác PBGDPL có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân; là tiền đề, cơ sở quan trọng để tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả, qua đó góp phần thiết thực phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Để triển khai hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới bảo đảm bám sát các yêu cầu nhiệm vụ của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Thứ trưởng đề nghị, tiếp tục quán triệt đầy đủ, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; nghiên cứu, nhận diện chính xác, cụ thể những vướng mắc, bất cập, quy định thiếu khả thi để xem xét, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hoặc có giải pháp để khắc phục kịp thời.
Cùng đó, tăng cường phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, cũng như trách nhiệm các thành viên Hội đồng trong triển khai công tác PBGDPL; đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức, cách thức PBGDPL; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL. Ngoài ra, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ tham mưu công tác PBGDPL; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng chuyên sâu, chuyên biệt cho đối tượng đặc thù, yếu thế.