Ngày 15/11, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2024. Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cùng lãnh đạo các vụ, cục, tổ chức quốc tế, các hội, hiệp hội và hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo báo cáo, hiện nay tỉnh Cà Mau có 151 sản phẩm OCOP. Trong đó 29 sản phẩm đạt 4 sao, 122 sản phẩm 3 sao. Có 110 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được công nhận cấp tỉnh, 42 sản phẩm cấp khu vực, 15 sản phẩm cấp quốc gia,..
Thời gian qua tỉnh Cà Mau đã tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại nước ngoài, tham gia các hội chợ quốc tế như: triển lãm thủy sản Bắc Mỹ, Seafood Expo Global; triển lãm thủy sản châu Á Seafood Expo Asia tại Singapore, Trung Quốc, Trung Đông và thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước…
Ngoài ra với 280.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, sản lượng tôm hàng năm khoảng 250.000 tấn, cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho 41 nhà máy chế biến thuỷ sản, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 01 tỷ USD/năm.
Cà Mau có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ vào các sản phẩm giá trị gia tăng, các sản phẩm này giúp cho Cà Mau nhiều năm giữ vững thị phần tại các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật, Úc, Hàn Quốc….
Ngoài tôm, thì cua Cà Mau cũng là một sản phẩm có lợi thế cạnh tranh đặc biệt, nổi bật với vị ngon, ngọt, chắc thịt đặc trưng, khó có nơi nào sánh bằng. Cua Cà Mau được nuôi thả xen kẽ với tôm và các loài thủy sản khác trên diện tích khoảng 250.000 ha, sản lượng đạt khoảng 25.000 tấn mỗi năm.
Sản phẩm cua Cà Mau hiện đã được xuất khẩu sang các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Lào, Campuchia… với tiềm năng phát triển ngày càng mạnh mẽ,…
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hội nghị là sự kiện quan trọng thức đẩy xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, đặc sản của địa phương, kết nối với các kênh phân phối hiện đại và mở rộng thị trường xuất khẩu tiềm năng trong thời gian tới.
Đồng thời, các hoạt động kết nối trực tiếp tại Cà Mau còn giúp các doanh nghiệp, đối tác và nhà phân phối hiểu rõ hơn về quá trình sản xuất, giá trị sản phẩm của Cà Mau, giúp các doanh nghiệp Cà Mau nắm bắt kịp thời các thông tin, nhu cầu và xu hướng tiêu dùng mới.
“Sau hội nghị lần này, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và đối tác dễ dàng tiếp cận, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thủy sản chất lượng cao, cùng các sản phẩm OCOP và đặc sản của tỉnh. Đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường, thân thiện môi trường, dồi dào về số lượng, ổn định về giá cả. Từng bước, tạo nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp và đối tác mở rộng thị trường, nâng cao hình ảnh, vị thế thương hiệu, đạt được lợi nhuận bền vững”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cam kết.
Tại hội nghị, đại diện Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước: Nhật Bản, Singapore, Ấn độ, Trung Quốc đánh giá cao lợi thế, tìm năng các sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh Cà Mau, đồng thời lưu ý địa phương một số vấn đề trong việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước trên,...
Phát biểu tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng UBND tỉnh Cà Mau và các doanh nghiệp của tỉnh trong công tác triển khai các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm có thế mạnh của Cà Mau.
Cũng như tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong hoạt động thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đảm bảo tính bền vững và lâu dài cho chuỗi cung ứng, đóng góp tích cực cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu của Việt Nam.
Cũng tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã ký kết ghi nhớ để cùng đẩy mạnh, tiêu thụ hàng hóa trong giai đoạn tới.