Chi viện cho miền Nam là công việc hết sức quan trọng, yêu cầu bức thiết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân là phải dồn hết sức chi viện từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn phục vụ cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Để phục vụ cho công tác này, Hội đồng chi viện cho tiền tuyến được thành lập do đồng chí Phạm Văn Đồng lúc đó là Chủ tịch; Đồng chí Đỗ Mười lúc đó là Phó Chủ tịch Thường trực cùng một số lãnh đạo khác chỉ đạo triển khai chiến dịch với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Thanh niên, sinh viên hăng hái lên đường làm nghĩa vụ quân sự với số lượng rất đông.
Với quyết tâm ‘xẻ dọc Trường Sơn” và “đục thủng” Trường Sơn từ Đông sang Tây để đưa người, xăng dầu, vũ khí, lương thực... chi viện cho tiền tuyến. Lúc đó, với cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng chi viện cho miền Nam, đồng chí Đỗ Mười đã chỉ đạo đồng chí Phan Tử Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT trong việc lắp đặt đường ống vận chuyển xăng dầu từ miền Bắc vào miền Nam. Theo kế hoạch, đợt 1 lắp ống dã chiến vào đến Quảng Bình. Đợt 2 là đưa vào Trường Sơn để trong ấy lắp tiếp.
Trong điều kiện thi công, nhiều địa điểm ngay trong khu vực địch bắn phá ác liệt, mọi động tĩnh của ta đều có thể bị chúng phát hiện và xả bom suốt ngày đêm. Nên ta phải thi công hết sức bí mật. Khi lắp ống dã chiến, lực lượng bộ đội xăng dầu đi rải ống, nhân dân địa phận nơi đường ống đi qua cũng tham gia đào đường lắp ống cùng bộ đội. Đường ống xăng dầu đi qua xã nào, xã đó phải bảo vệ. Sau nhiều ngày đêm nỗ lực của quân và dân ta, đường ống dài hơn 5.000 km lắp đặt để vận chuyển xăng dầu từ Lạng Sơn và Móng Cái đến Quảng Bình, vượt qua dãy Trường Sơn để vào miền Nam đã thành công. Nhờ có đường ống xăng dầu thông suốt chúng ta mới có chiến dịch Buôn Ma Thuột, mới đẩy nhanh công tác chi viện và đưa Chiến dịch Hồ Chí Minh lên giai đoạn thần tốc.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đến thăm và chúc Tết nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, dịp Tết Ất Mùi 2015
Việc chi viện lương thực cho Khu 5 của chúng ta lúc đó cũng rất khó khăn, hàng trăm ô tô chở gạo bị máy bay địch ném bom, bị cháy dọc đường nên thiếu gạo trầm trọng, quân dân của ta bị đói. Ô tô gạo bị đánh phá nhiều quá, các lãnh đạo đã thay đổi phương án là dùng xe đạp thồ để mở chiến dịch tiếp gạo cho miền Nam. Chúng ta đã chuyển xe đạp cho các xã để trang bị cho dân công vận chuyển gạo ra chiến trường; khi hoàn thành chiến dịch, dân công được thưởng luôn chiếc xe đạp đó. Đã có hàng vạn dân công tham gia chở gạo, đoàn người nối đuôi nhau đi không mệt mỏi. Khi bom Mỹ ném xuống họ tản ra, nấp xuống hầm bí ẩn, sau đó lại lên đường đi suốt ngày đêm tiếp gạo cho chiến trường.
Đồng chí Đỗ Mười cũng đã vào tận Đồng Hới, Quảng Bình để kiểm tra việc vận chuyển lương thực và vũ khí qua đường bộ, đường biển. Đến nơi, nắm bắt được những khó khăn về việc vận chuyển lương thực cho Khu 5 và khả năng thiếu đói sẽ xảy ra, ông đã chỉ đạo cho gạo vào bao tải bọc nilon thả xuống biển để sóng đánh dạt vào bờ, người dân ai cũng nhặt được.
Phong trào tải gạo cho miền Nam kháng chiến lan khắp các tỉnh thành trong cả nước. Trong hồi ký của những người tham gia chiến dịch tại Thanh Hóa thời kỳ này cũng đã ghi lại những hình ảnh sục sôi trong gian khó ấy. Đó là 15.115 nhân viên, cán bộ ngành giao thông tỉnh, 10.427 thanh niên xung phong sửa cầu đường bị đánh phá, mở đường mới thủy, bộ, cùng với đường sắt bảo đảm huyết mạch giao thông cho hàng ngàn chuyến xe ôtô, xe thồ đi qua; rồi có gia đình ở Thanh Hóa vừa đóng xong cỗ áo quan dự phòng cho bố mẹ già, họ tháo ván ra lát cầu phao cứu đoàn xe bị máy bay địch đánh phá; rồi nhiều gia đình vừa làm xong nhà, họ tự nguyện cho phá đi để làm đường tránh cho xe tải chở lương thực, đạn dược đi qua...
Vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam (Ảnh tư liệu)
Nhà văn Kiều Vượng trợ lý chỉ huy chiến dịch tại Thanh Hóa lúc đó, ghi trong nhật ký: Mỗi lần thuyền cập bến, hàng nghìn nguời ào xuống bốc vác chuyển tải sang phương tiện khác đi tiếp vào tuyến trong. Biết hàng là gạo, nhưng hàng nghìn người vẫn theo tiêu chuẩn chia từng hạt muối, cọng rau, miếng thịt ướp muối. Rất đói nhưng ăn thêm rau, măng để tiết kiệm từng lạng gạo cho chiến trường miền Nam....
Cuộc chiến ngày càng ác liệt. Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ để lấy cớ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Nắm bắt được tinh thần đó, nên các đồng chí lãnh đạo đã lên những phương án chiến lược nhằm xoay chuyển tình hình. Mỹ đã tiến hành phong tỏa cảng Hải Phòng nhằm ngăn chặn vũ khí Nga và Trung Quốc viện trợ. Tại Cảng Hải Phòng, đồng chí Đỗ Mười đã ra lệnh cho sơ tán hàng viện trợ dọc theo đường 5 về Chí Linh, Đông Triều; đồng thời thương lượng với các tàu các nước neo đậu tại cảng thêm một thời gian, vì biết địch không ném bom vào tàu quốc tế. Từ Chí Linh, Đông Triều, quân ta lại âm thầm chuyển vũ khí lên cảng cạn Lạng Sơn, nơi mà chúng ta đánh giá an toàn không có trận bom nào ném trúng nơi để hàng. Một mũi tập trung khác là chúng ta đã tổ chức một bộ phận phá thủy lôi mà địch thả dày đặc trên sông, trên biển. Nhờ có nghiên cứu kỹ thuật tốt mà địch thả thủy lôi đến đâu ta phá hết đến đó.
Nhớ lại thời kỳ lịch sử, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhắc nhiều đến đồng chí Lê Duẩn, lúc đó là Bí thư thứ nhất Bộ Chính trị. Trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo toàn quốc dồn lực cho miền Nam chiến đấu, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đưa ra những khẩu hiệu như: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho chiến thắng”. Căn cứ vào những quyết định của Bộ Chính trị lúc đó cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết những bức thư vào miền Nam chỉ đạo cuộc cách mạng với cái tên “Ba mũi giáp công”, “Ba vùng chiến lược”, “Chiến tranh toàn dân, toàn diện”
Theo chỉ đạo, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười phải báo cáo tình hình chi viện cho miền Nam có gì khó khăn không để còn ứng cứu. Lúc đó việc vận chuyển bằng đường sắt bị hạn chế vì hầu hết các cây cầu qua các tỉnh vào Nam đều bị địch phá hủy. Nhận được chỉ đạo, ngành đường sắt áp dụng chiến thuật “nghi binh”, vẫn để chiếc cầu như vậy không sửa chữa mà lắp các đường ray trên cầu cho tàu chạy qua sau đó lại cất đi. Nên những chuyến hàng hóa, đạn dược vẫn được chuyển vào miền Nam.
Việc chi viện cho chiến trường miền Nam đã thể hiện vai trò hậu phương rất lớn song không thể thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của các vị lãnh đạo tâm huyết như nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước đã làm nên chiến thắng lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.
(Theo hồi ký: Đồng chí Đỗ Mười-dấu ấn qua những chặng đường lịch sử)