Hồi ức những ngày lửa đạn Truông Bồn

Hoàng Minh| 01/11/2018 09:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Truông Bồn không chỉ là khúc tráng ca 50 năm của lực lượng Thanh niên xung phong mà ở đó còn có những người phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng đầy kiên cường, quả cảm, là điểm tựa tinh thần, tiếp lửa cho tiền tuyến Truông Bồn những ngày đánh Mỹ.

Dù đã đến Mỹ Sơn (huyện Đô Lương – Nghệ An) rất nhiều lần, nhưng mỗi lần trở lại, trong tôi lại dâng lên những cảm xúc mới. Vượt lên con dốc Ba Cấp dài ngót cây số rưỡi, vào đúng lúc hàng thông bạt ngàn reo trên triền đồi nghiêng nghiêng nắng, chúng tôi luôn hồi hộp như lần đầu tiên đặt chân đến. Bởi, nơi đây, mỗi tấc đất, ngọn cỏ, nhành cây... đều mang một câu chuyện, hồn cốt riêng, đêm ngày rì rầm linh thiêng vọng về từ đất Mẹ...

Ngôi nhà nhỏ của mẹ Thởm (tên thật là Nguyễn Thị Phác) nằm sát triền đồi thông thuộc xóm 9, xã Mỹ Sơn. Năm nay, dù đã 97 tuổi và sức khỏe đã rất yếu nhưng khi nhắc đến chị Trần Thị Thông - tiểu đội trưởng, là người còn sống duy nhất của tiểu đội cảm tử, đại đội TNXP 317 trong trận bom Đế quốc Mỹ trút xuống Truông Bồn sáng ngày 31/10/1968, bao hồi ức của những ngày khói lửa trong mẹ chợt trỗi dậy.

Hồi ức những ngày lửa đạn Truông Bồn

Mẹ Thởm đang bùi ngùi nhớ lại những hồi ức xưa.

Hồi ấy, sau khi phát hiện ra chị Thông nhờ nòng súng nhô lên khỏi mặt đất, đồng đội đưa chị về sân kho HTX Mỹ Thái (thuộc xóm 9 xã Mỹ Sơn ngày nay) trong cảnh đầu tóc rũ rượi, áo quần bê bết bùn đất, hơi thở rất yếu. Người dân xóm 9 ra sức cứu chị bằng tất cả tình thương.

Mẹ Thởm nhớ lại và kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng đạn bom, nguy hiểm, khốn khó trăm bề, một nách mẹ Thởm nuôi bảy đứa con vất vả nay lại chăm thêm o Thông. Nhưng những tháng ngày cận kề cái chết, dưới bàn tay của người mẹ lam lũ, tảo tần, o Thông đã hồi sinh trở lại.

"Mặt hắn (chị Thông) lúc đó nhuốm đầy máu, cứ tưởng hắn sẽ chết. Cháo nuốt chẳng trôi, nước đùn vô không được. Hắn bị thương nặng lắm. Trong cơn mê sảng hắn gọi tên từng đồng đội, rồi hỏi mọi người đang ở đâu khiến tui (tôi) ứa nước mắt. Sợ hắn ngất nên tui không dám nói thật, tui nói dối hắn là các anh, chị ấy đang làm nhiệm vụ. Tui nghĩ “còn nước còn tát” nên cứ tận tình, lo lắng chăm sóc cho hắn, may nhờ trời thương nên hắn dần hồi phục”, mẹ Thởm bùi ngùi nói.

Câu chuyện về hai người phụ nữ: mẹ Thởm, chị Thông - vượt qua cửa tử trong mái nhà tranh, vách đất dưới chân Truông Bồn ngày ấy được mẹ Thởm tái hiện lại như một thước phim quay chậm.

Hồi ức những ngày lửa đạn Truông Bồn

Các cựu Thanh niên xung phong và nhân dân đang tưởng nhớ tới các chiến sỹ đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vào ngày 31/10/1968.

Vất vả về công sức, thiếu thốn về lương thực không là gì so với sự tra hỏi của bọn giặc Mỹ lúc bấy giờ khi chúng nghi ngờ mẹ Thởm đang cưu mang o Thông. Mẹ Thởm nhớ lại: “Hắn (giặc Mỹ) dí súng vô tui, hỏi có nuôi o Thông không? Tui không khai chi hết”.

Bất chợt 2 hàng nước mắt của mẹ trào ra, mẹ Thởm ôm lấy đầu và khóc. Trong hồi ức, mẹ cứ ngỡ như đang sống trong thời chiến, đối mặt với đạn bom. Rồi đâu đó lẫn trong câu chuyện của mẹ, mẹ bảo tôi đóng cửa lại, chốt chặt vào, “bom nổ đó, hắn (giặc Mỹ) hỏi chi thì đừng có khai ra”, đây là nỗi hoảng sợ của người mẹ trải qua những năm tháng ác liệt, tàn bạo của chiến tranh vẫn luôn bị ám ảnh.

Ông Nguyễn Tất Lữ - nguyên xóm trưởng xóm 9, xã Mỹ Sơn thời ấy kể lại: “Nếu không có bà Thởm tận tình chăm sóc thì o Thông khó có được như ngày hôm nay. Chính bà Thởm đã giành giật sự sống cho o Thông từ tay tử thần”. 

Nhắc đến Mẹ Thởm, nguyên tiểu đội trưởng tiểu đội cảm tử, đại đội TNXP 317 Trần Thị Thông rưng rưng: “Tôi rất biết ơn và cảm kích trước tấm chân tình của mẹ Thởm và người dân xóm 9 xã Mỹ Sơn đã dành cho tôi. Trong thâm tâm của mình, tôi luôn tâm niệm chính mẹ Thởm và mảnh đất xóm 9, xã Mỹ Sơn là nơi khai sinh ra tôi lần thứ 2”.  

Đã 50 năm trôi qua, đất trời quê hương đã liền một dải, sự thanh bình đã trải dài khắp bờ bãi xóm thôn, nhưng dưới mỗi tấc đất, mạch sông, ngọn núi của Mỹ Sơn, trong lòng mẹ Thởm, o Thông vẫn còn đó vẹn nguyên nỗi âm ỉ đau thương và khốc liệt. Đâu rồi nụ cười tươi, ánh mắt sáng, đôi bàn tay ấm áp của o Đang, o Vinh, o Hòa...Và chùm bồ kết nồng hương còn phơi trên chái bếp, mảnh gương soi còn sáng lấp lánh nét thanh xuân?.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồi ức những ngày lửa đạn Truông Bồn