Chiến thắng Buôn Ma Thuột năm 1975 đã đi vào lịch sử là một trong những chiến thắng oanh liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta, mở màn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3/1975-10/3/2015), chúng tôi xin gửi tới độc giả hồi ức của một vị lão thành cách mạng, đã từng tham gia vào chiến thắng Buôn Ma Thuột, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước năm 1975.
SN 1943 trong một gia đình từ ông nội, đến cha và chú sớm đi theo tiếng gọi của Đảng và cách mạng để chống lại các thế lực thù địch xâm lược nên khi còn nhỏ, Y Luyện vẫn thường được mẹ kể về ánh hào quang khi cả gia đình theo cách mạng. Dù cha bị bắt, ông ngoại bị chúng chặt đầu và đóng vào cọc ngay trước cổng làng song đến năm 1958, khi đang là một học sinh thì giặc Mỹ đã đánh chiếm và lùng sục khắp Tây Nguyên - nơi buôn làng ông đang sống, Y Luyện đã quyết định nghỉ học để đi theo bộ đội cụ Hồ.
Vị lão thành cách mạng Y Luyện
Trong hồi ức, ông nhớ lại: "Những ngày đầu tiên đi bộ đội, tôi được huấn luyện và đánh Mỹ tại địa phương thuộc Tỉnh đội Đăk Lăk. Năm 1963, tôi vinh dự được kết nạp là đảng viên Đảng nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam, năm 1964, tôi được vào Đảng chính thức. Vì tôi săn thú rừng rất giỏi nên được cấp trên giao cho làm anh nuôi trong 2 năm từ 1963 -1964 với nhiệm vụ vừa nấu ăn, vừa tham gia săn bắn thú rừng để cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sỹ. Sau đó, tôi được tổ chức phân công làm Bộ đội quân bưu thuộc Quân khu 6, rồi giao bưu thuộc Quân khu 5. Năm 1970, tổ chức chuyển tôi qua lực lượng vũ trang và chiến đấu trên địa bàn huyện Buôn Hồ" (nay là thị xã Buôn Hồ - PV ).
Nhấp vội ly trà đã để nguội trên bàn, ông lại tiếp tục câu chuyện đang kể dở: Xác định được Tây Nguyên là mắt xích rất quan trọng để phát động Tổng tiến công, nên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chọn Buôn Ma Thuột là vị trí chiến lược nằm ở trung tâm Tây Nguyên. Giải phóng được Buôn Ma Thuột là có thể giải phóng được Tây Nguyên. Trong cuộc chiến lần này, ai nắm được Tây Nguyên là nắm được lợi thế lớn trong chiến trường miền Nam. Tháng 3/1975, chúng ta đánh nghi binh ở khắp nơi trên cao nguyên này, địch không biết phải phòng thủ và tập trung ở đâu, chúng tưởng quân ta đánh ở tỉnh Gia Lai - Kon Tum lúc bấy giờ, nên chúng kéo quân ở Buôn Ma Thuột về chi viện. Sau đó, ta dùng lực lượng vũ trang, xe tăng, pháo binh, súng cối các loại đánh "rát" vào các điểm trọng yếu của địch làm cho địch hoang mang, dao động, rồi chúng tan vỡ, cùng lúc đó, dân ta đứng lên giành chính quyền từ tay địch...
Rồi ông tiếp: "Đây là cuộc chiến rất ác liệt và tàn khốc, một mất một còn nên khi ra trận, không ai nghĩ mình sống sót mà quay trở về, nhưng với sự chỉ đạo khôn khéo, am hiểu chiến lược và địa bàn của Đảng, tổn thất về người cũng như nhà cửa, của cải của nhân dân, bộ đội ta đã được hạn chế một cách tối đa”.
Sau mấy ngày chiến đấu, ngày 10/3/1975, chúng ta đã giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột và đến cuối tháng 3/1975, giải phóng toàn Đăk Lăk và Tây Nguyên. Một tháng sau, ngày 30/4/1975 đất nước đã được thống nhất, non sông thu về một mối”.
Độc lập trở lại, ông được Đảng và Nhà nước giao giữ những chức vụ như: làm Phó Chủ tịch thị xã Buôn Ma Thuột; Bí thư Đảng bộ huyện Krông Ana; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh rồi đến các chức vụ chủ chốt trong tỉnh như Chủ tịch UBND tỉnh; Bí thư Tỉnh ủy rồi về hưu theo chế độ của Nhà nước.
40 năm sau ngày giải phóng, Buôn Ma Thuột hiện nay đang vươn mình lên phát triển mạnh mẽ. Bằng nhiều nỗ lực, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Buôn Ma Thuột đã xây dựng nơi đây trở thành thành phố năng động, hiện đại, xứng đáng với danh hiệu thành phố anh hùng được Đảng và Nhà nước trao tặng.
Buôn Ma Thuột từ một thị xã nhỏ bé với hơn 40.000 dân, đời sống còn hết sức khó khăn, nay đã vươn mình trở thành một đô thị hiện đại, với số dân là hơn 331.000 người, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 đạt trên 15%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Riêng năm qua, thành phố đã giải quyết việc làm mới khoảng 11.000 lao động, đào tạo nghề cho gần 5.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 1.200 hộ.
Tự hào là qua hơn nửa thế kỷ chống ngoại xâm, giờ đây, Buôn Ma Thuột đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trong đó không thể không kể đến những đóng góp của những người con của quê hương như ông Y Luyện.