Sáng 21/02, tại Hà Nội, TANDTC phối hợp với UNDP tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Áp dụng Công ước của Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Tòa án Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có các ông, bà: Nguyễn Văn Tiến, Thẩm phán TANDTC; Catherine Phuong, Trợ lý Trưởng Đại diện Thường trú, UNDP Việt Nam; Stephen Taylor, Trưởng phòng Chính trị, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam; Giáo sư Luật Richard Garnett, Đại học Melbourne, Australia; Phan Gia Quý, nguyên Chánh toà Tòa Kinh tế, TAND thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Tòa án các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc ; cùng các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý trong và ngoài nước.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Trong khuôn khổ hoạt động của dự án “Cải thiện môi trường kinh doanh công bằng trong khu vực ASEAN” do Quỹ thịnh vượng của Vương quốc Anh (thông qua UNDP Việt Nam) tài trợ, TANDTC phối hợp với UNDP tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Áp dụng Công ước của Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Tòa án Việt Nam”. Dự kiến Hội thảo sẽ được tổ chức tại cả hai miền Nam, Bắc. Tại Hà Nội, Hội thảo được diễn ra trong 02 ngày 21 và 22/2/2019.
Mục đích của cuộc hội thảo là nhằm nâng cao kiến thức cho các Thẩm phán, cán bộ Tòa án về nội dung Công ước về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tại hội thảo, các Thẩm phán, cán bộ Tòa án sẽ được nghe, trao đổi, thảo luận với các chuyên gia quốc tế và trong nước về cách hiểu cũng như cách thức áp dụng các điều khoản cụ thể của Công ước. Qua đó, tạo được sự thống nhất nhận thức của các Thẩm phán về việc áp dụng quy định của Công ước trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án tranh chấp về mua bán hàng hóa quốc tế tại Tòa án Việt Nam khi phát sinh trên thực tế. Trên tinh thần đó, việc giải quyết tranh chấp về mua bán hàng hóa quốc tế và xem xét, giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của Tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài có liên quan đến việc áp dụng Công ước ngày càng được cải thiện về chất lượng, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thẩm phán TAND Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thẩm phán TANDTC Nguyễn Văn Tiến khẳng định, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, việc tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương về thương mại là rất cần thiết đối với Việt Nam nhằm hài hòa hóa hệ thống pháp luật quốc gia và thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển. Vì vậy, sự kiện ngày 18/12/2015 Việt Nam chính thức phê chuẩn việc gia nhập Công ước Liên Hợp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Công ước CISG) để trở thành thành viên thứ 84 của Công ước này là một điểm nhấn quan trọng về mức độ hội nhập của Việt Nam. Việc gia nhập Công ước đã tạo lập một khung pháp lý hiện đại, công bằng và an toàn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Việt Nam gia nhập Công ước này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp Việt Nam mà còn tạo ra cơ sở pháp lý thống nhất cho việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong các tranh chấp về mua bán hàng hóa quốc tế tại Tòa án quốc gia thành viên, trong đó có Tòa án Việt Nam.
Theo đó, việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoặc có liên quan đến nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế do Tòa án Việt Nam giải quyết trở nên thống nhất và dễ dàng hơn với nguồn luật áp dụng là Công ước. Việc giải thích và áp dụng Công ước dễ dàng hơn rất nhiều so với việc viện dẫn đến một hệ thống luật quốc gia, bởi việc diễn giải Công ước có thể sử dụng các nguồn tham khảo phong phú và rất hữu ích, các bình luận chính thức của Ban Tư vấn Công ước, các án lệ của Công ước đăng tải trên hệ thống dữ liệu của Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế.
Đối với hệ thống Tòa án Việt Nam, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự trong nước, sau khi gia nhập Công ước, Tòa án Việt Nam cũng có thẩm quyền giải quyết các vụ án tranh chấp về mua bán hàng hóa quốc tế có áp dụng Công ước này.
Đồng thời, Tòa án Việt Nam còn có thẩm quyền xem xét, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của Tòa án nước ngoài, phán quyết trọng tài nước ngoài đối với các tranh chấp trong lĩnh vực này mà có áp dụng quy định của CISG.
Như vậy, việc gia nhập Công ước còn góp phần tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho Tòa án Việt Nam giải quyết các vụ việc theo thẩm quyền; bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp; góp phần tạo nên một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, lành mạnh, cạnh tranh công bằng tại Việt Nam.
Chuyên gia nước ngoài trao đổi nghiệp vụ tại buổi Hội thảo
Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã trình bày về việc áp dụng Công ước của Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Tòa án quốc gia. Ông Phan Gia Qúy, nguyên Chánh tòa Toà Kinh tế, TAND thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận về thực trạng giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại Tòa án Việt Nam. Giáo sư Luật Richard Garnett, Đại học Melbourne, Australia giới thiệu tổng quan về mua bán hàng hóa quốc tế và Công ước CISG và các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế…
Trên cơ sở nội dung của các tham luận cùng những vấn đề các đại biểu quan tâm về nội dung của Hội thảo, các đại biểu đã tích cực nêu những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng để cùng các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.
Trong ngày làm việc thứ hai, 22/02, các đại biểu tiếp tục trao đổi, chia sẻ về những nội dung liên quan đến việc áp dụng Công ước của Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Tòa án Việt Nam: Một số nội dung cơ bản về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với các vụ án có yếu tố nước ngoài; công nhận và cho thi hành án tại Việt Nam bản án của Tòa án nước ngoài và phán quyết của trọng tài nước ngoài. Một số lưu ý khi áp dụng CISG tại Việt Nam…