Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định dự kiến lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ tại phía Nam

Quang Trung| 19/03/2016 23:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 19/3, tại Tp Hồ Chí Minh, TANDTC đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ. Đến dự và chủ trì hội thảo có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC.

Tham dự có đồng chí Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Thường trực TANDTC; các Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn, Tống Anh Hào; cùng các đại biểu khách mời đến từ Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý đến từ các trường đại học, TAND cấp cao tại Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh và lãnh đạo các TAND cấp tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định dự kiến lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ tại phía Nam

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC nhấn mạnh, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, bên cạnh việc học tập kinh nghiệm quốc tế thì để bảo đảm chất lượng, giá trị pháp lý và tính khả thi của án lệ, việc ban hành án lệ phải được tiến hành thông qua một quy trình hết sức chặt chẽ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, theo đó, các quy định về quy trình ban hành và áp dụng án lệ cần phải được cụ thể hoá bằng một văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực bắt buộc chung. Để triển khai quy định của Luật tổ chức TAND, ngày 19/10/2015 Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thông qua Nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, trong đó xác định: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn và được Chánh án TANDTC công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Nghị quyết cũng xác định cụ thể các tiêu chí của án lệ; quy trình rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ; nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử... Trên cơ sở hướng dẫn của Nghị quyết nêu trên, TANDTC đã khẩn trương triển khai việc rà soát, lựa chọn các bản án, quyết định có nội dung đáp ứng được các tiêu chí của án lệ để dự kiến đưa vào làm nguồn để phát triển thành án lệ; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC, Tạp chí TAND để các tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến; đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn bình luận, tham gia ý kiến.

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho rằng, các bản án, quyết định được đưa ra tại Hội thảo, chưa phải là án lệ mà mới chỉ là những lựa chọn bước đầu, dự kiến đề xuất làm nguồn để phát triển thành án lệ. Để được công nhận là án lệ, các bản án, quyết định này cần phải được đa số các ý kiến đồng tình, được Hội đồng tư vấn án lệ cho ý kiến trước khi trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC công nhận là án lệ. Hội thảo này có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu về pháp luật, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn và đại diện của các Tòa án, các cơ quan, tổ chức hữu quan, đề nghị các đại biểu thảo luận, trao đổi, bình luận thẳng thắn về những bản án, quyết định được đưa ra; trong đó, tập trung vào một số bản án, quyết định có tính điển hình để làm nổi bật nội dung và giá trị của án lệ; bảo đảm những lập luận, phán quyết được công nhận là án lệ phải có tính chuẩn mực, có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; bảo đảm công bằng; bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều đồng tình với việc đưa án lệ là một nguồn luật để áp dụng vào thực tiễn xét xử. Bên cạnh đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý để hoàn thiện trong quá trình phát triển án lệ.

Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định dự kiến lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ tại phía Nam

GS.TS Mai Hồng Quỳ đóng góp ý kiến tại Hội thảo

GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh đánh giá cao TANDTC đã có nhiều cố gắng phát triển án lệ để nhanh chóng đưa vào áp dụng, đây là thành công lớn của TANDTC, cũng như dấu ấn của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình. Án lệ được công bố nên được mã hóa. Về phần nội dung của án lệ, GS.TS Mai Hồng Quỳ đề nghị, nội dung án lệ được các Thẩm phán TANDTC lựa chọn và soạn thảo chính là phần Ratio decidendi, gọi tắt là phần ratio (phần bắt buộc của một án lệ). Đây là phần quan trọng và là cơ sở để các Thẩm phán phải áp dụng khi giải quyết các vụ việc tương tự xảy ra sau này. Việc đưa các nội dung án lệ thành phần tách biệt như vậy là điểm hay vì đã nhấn mạnh đến phần các thẩm phán buộc phải để ý và áp dụng khi gặp tình tiết tương tự. Tuy nhiên, để nâng cao tính khả thi khi áp dụng, nên học hỏi kinh nghiệm của quốc gia theo thông luật, nên xác định những tình tiết bắt buộc trong án lệ. Cụ thể, nếu án lệ A, có 2 tình tiết bắt buộc, thì những vụ việc sau này có đủ 2 tình tiết đó (không cần tính đến những tình tiết khác – không phải là tình tiết bắt buộc), là phải áp dụng án lệ A.

Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định dự kiến lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ tại phía Nam

LS Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội thảo

Ngoài ra, LS Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề xuất thêm, ngoài việc trích dẫn nguyên văn các lập luận, quyết định được chọn làm án lệ, nên có thêm một số ý kiến, bình luận, giải thích, hướng dẫn về những án lệ được chọn và trích dẫn. Những ý kiến này không có giá trị pháp lý như phần án lệ trích dẫn, nhưng cần thiết để hướng dẫn và hỗ trợ cho các Thẩm phán và luật sư trong việc nhận định và quyết định áp dụng án lệ trong quá trình tố tụng các vụ án khác. Những ý kiến, bình luận, giải thích, hướng dẫn này có thể do Vụ pháp lý và Quản lý khoa học soạn thảo với sự cộng tác của các chuyên gia pháp lý có trình độ cao. Về hình thức pháp lý của án lệ, để nâng cao tính pháp lý của án lệ, thì quyết định thông qua án lệ nên có hình thức một nghị quyết của toàn thể Hội đồng Thẩm phán. Theo Điều 7 của Nghị quyết 03, Chánh án TANDTC sẽ công bố các án lệ được thông qua, văn bản công bố sẽ dẫn chiếu Nghị quyết này.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đánh giá, sau quá trình bàn bạc, thảo luận Hội thảo đã đạt được những yêu cầu, mục tiêu đã đề ra. Tại Hội thảo các đại biểu đã nghe các tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý nêu nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận để phân tích làm rõ thêm những bản án, quyết định cũng như đề xuất định hướng cho việc phát triển án lệ trong thời gian tới đây. Các ý kiến tham luận góp ý rất thẳng thắn, cụ thể có ý nghĩa quý báu cho TANDTC trong việc lựa chọn và công nhận án lệ. 

Tại Hội thảo các đại biểu đã thống nhất cần phải sớm ban hành án lệ để các tòa án nghiên cứu áp dụng trong xét xử, khắc phục được khuyết điểm gặp phải hiện nay, đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, đảm bảo các phán quyết của tòa án ngày được công khai, minh bạch, ổn định góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức, bảo đảm tòa án là chỗ dựa của người dân.

Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định dự kiến lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ tại phía Nam

Toàn cảnh Hội thảo

Việc sớm ban hành và áp dụng án lệ áp dụng trong xét xử là một yêu cầu của Luật tổ chức TAND đã được Quốc hội thông qua. Việc áp dụng án lệ sẽ tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, tin cậy của bè quốc tế với Việt Nam. Các bản án, quyết định được đề xuất để phát triển án lệ hiện nay chưa phải là án lệ mà chỉ là lựa chọn ban đầu, để được công nhận là án lệ thì các bản án, quyết định này phải cần có ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, công luận đồng tình, được hội đồng tư vấn án lệ cho ý kiến trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC quyết định công nhận án lệ.

Những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo, cũng như bằng văn bản, thư điện tử của các tổ chức, cá nhân gửi cho TANDTC, đề nghị Vụ pháp chế và Quản lý khoa học, Vụ Tổng hợp, Văn phòng theo chức năng nhiệm vụ của mình khẩn trương tổng hợp báo cáo lãnh đạo TANDTC để đẩy nhanh việc lựa chọn những bản án, quyết định để phát triển án lệ trình Hội đồng tư vấn án lệ xin ý kiến.

Đồng thời, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cũng bày tỏ hy vọng các cá nhân, tổ chức tích cực giới thiệu nguồn để phát triển án lệ trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định dự kiến lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ tại phía Nam