Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ

Trần Minh Giang| 16/03/2016 18:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 16/3/2016, TANDTC tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ.

Đến dự Hội thảo có lãnh đạo TANDTC, các Thẩm phán TANDTC, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý, lãnh đạo 31 TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC và Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn, Tống Anh Hào chủ trì Hội thảo.

Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trương Hòa Bình nêu lên những chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và các quy định của pháp luật về án lệ. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, bên cạnh việc học tập kinh nghiệm quốc tế thì để bảo đảm chất lượng, giá trị pháp lý và tính khả thi của án lệ, việc ban hành án lệ phải được tiến hành thông qua một quy trình hết sức chặt chẽ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; các quy định về quy trình ban hành và áp dụng án lệ cần phải được cụ thể hoá bằng một văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực bắt buộc chung. Các bản án, quyết định được đưa ra tại Hội thảo hôm nay, chưa phải là án lệ mà mới chỉ là những lựa chọn bước đầu, dự kiến đề xuất làm nguồn để phát triển thành án lệ. Để được công nhận là án lệ, các bản án, quyết định này cần phải được đa số các ý kiến đồng tình, được Hội đồng tư vấn án lệ cho ý kiến trước khi trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC công nhận là án lệ.

Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ

Đồng chí Trương Hòa Bình, Tống Anh Hào, Nguyễn Sơn chủ trì Hội thảo

Đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Hội thảo hôm nay với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu về pháp luật, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn và đại diện của các Tòa án, các cơ quan, tổ chức hữu quan nên các đại biểu cần thảo luận, trao đổi thẳng thắn về những bản án, quyết định được đưa ra. Trong đó, tập trung vào một số bản án, quyết định có tính điển hình để làm nổi bật nội dung và giá trị của án lệ; bảo đảm những lập luận, phán quyết được công nhận là án lệ phải có tính chuẩn mực, có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; bảo đảm công bằng; bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau.

Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ

Đại biểu đóng góp ý kiến đối với án lệ

Tại Hội thảo, các đại biểu đều đồng tình với việc đưa án lệ là một nguồn luật để áp dụng vào thực tiễn xét xử. Theo đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, Đảng ta đã đề ra quan điểm phải phát triển án lệ và xác định rõ trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị: “TANDTC có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ”. Trên cơ sở quán triệt đầy đủ các quan điểm, chủ trương và đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, với nhận thức đúng đắn và quyết tâm chính trị cao, Ban cán sự Đảng TANDTC đã chủ động, tích cực triển khai việc nghiên cứu và xây dựng Đề án phát triển án lệ của TAND. Để có cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng Đề án Phát triển án lệ, TANDTC đã tổ chức nghiên cứu thành công Đề tài khoa học cấp Bộ về “Triển khai án lệ vào công tác xét xử của Tòa án Việt Nam”. Các kết quả nghiên cứu về án lệ đã được TANDTC tổng hợp, thể hiện trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá XIII thông qua ngày 24/11/2014, tại kỳ họp thứ 8.

Tại điểm c khoản 2 Điều 22 của Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định: Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Tại khoản 5 Điều 27 của Luật Tổ chức TAND cũng quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án TANDTC đó là: “Tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ”. Việc áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án cũng đã được quy định trong các đạo luật về tư pháp vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua. Tại Điều 45 của BLTTDS quy định “Án lệ được Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự khi đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn và được Chánh án TANDTC công bố”.

Để triển khai quy định của Luật Tổ chức TAND 2014, ngày 19/10/2015, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thông qua Nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Trong đó xác định: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn và được Chánh án TANDTC công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Nghị quyết cũng xác định cụ thể các tiêu chí của án lệ; quy trình rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ; nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử... Trên cơ sở hướng dẫn của Nghị quyết nêu trên, TANDTC  đã rà soát, lựa chọn các bản án, quyết định có nội dung đáp ứng được các tiêu chí của án lệ để dự kiến đưa vào làm nguồn để phát triển thành án lệ; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC, Tạp chí TAND để các tổ chức, cá nhân, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn bình luận, tham gia ý kiến.

Trong quá trình thảo luận, Ban tổ chức đã cung cấp cho các đại biểu 35 bản án, quyết định giám đốc thẩm và yêu cầu tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với 5 quyết định giám đốc thẩm được nhìn nhận là có tính phổ biến và điển hình hơn cả cho việc đề xuất lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ. Hội nghị đã nghe 11 ý kiến nhiều chiều đối với các bản án, quyết định giám đốc thẩm được lựa chọn; góp ý kiến về dự thảo Mẫu án lệ, về những nội dung cần đổi mới, hoàn thiện trong các bản án, quyết định của Tòa án. Trong bối cảnh đòi hỏi của người dân và xã hội đối với công tác Tòa án ngày càng cao; những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đang gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp; nhiều quy định của pháp luật còn chưa rõ; còn có những vấn đề chưa được pháp luật quy định cụ thể thì việc áp dụng án lệ trong các phán quyết của Tòa án chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử.

Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ

Toàn cảnh Hội nghị

Kết luận Hội thảo, đồng chí Trương Hòa Bình đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc của các đại biểu và ghi nhận các ý kiến tham luận, trao đổi, góp ý hết sức thẳng thắn, cụ thể và sâu sắc, có giá trị cao giúp cho TANDTC trong việc xem xét, lựa chọn các bản án, quyết định để phát triển án lệ. Hiện nay, nước ta đang tích cực đổi mới trên nhiều lĩnh vực, tích cực hội nhập quốc tế, là thành viên của nhiều văn kiện quốc tế song phương, đa phương, là thành viên của cộng đồng kinh tế ASEAN, sẽ là thành viên của Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc áp dụng án lệ trong xét xử sẽ góp phần nâng cao năng lực của Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại, đặc biệt là những tranh chấp có yếu tố nước ngoài, bảo đảm các phán quyết của Tòa án công khai, minh bạch, thống nhất, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế - đây là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, củng cố niềm tin nhằm thu hút tối đa đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chánh án Trương Hòa Bình bày tỏ, các bản án, quyết định được đưa ra tại Hội thảo hôm nay, chưa phải là án lệ mà mới chỉ là những lựa chọn bước đầu, dự kiến đề xuất làm nguồn để phát triển thành án lệ. Để được công nhận là án lệ, các bản án, quyết định này cần phải được đa số các ý kiến đồng tình, được Hội đồng tư vấn án lệ cho ý kiến trước khi trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC công nhận là án lệ. Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các đồng chí tại Hội thảo này; các ý kiến góp ý bằng văn bản, thư điện tử của các tổ chức, cá nhân gửi về TANDTC sẽ được Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học khẩn trương tổng hợp, báo cáo lãnh đạo TANDTC để đẩy nhanh việc lựa chọn các bản án, quyết định là nguồn phát triển án lệ sớm đưa ra Hội đồng tư vấn án lệ xin ý kiến và ban hành án lệ theo đúng hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định, việc ban hành và áp dụng án lệ trong xét xử được dư luận trong nước và quốc tế nhìn nhận là một trong những thành công của quá trình cải cách tư pháp. Tuy nhiên, với nước ta đây là vấn đề mới cho nên từ nay đến khi ban hành tập án lệ đầu tiên, còn rất nhiều công việc phải làm. Vì vậy các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục quan tâm, đầu tư thời gian và trí tuệ góp ý kiến với TANDTC về những bản án, quyết định được lựa chọn để phát triển thành án lệ; các nội dung cần thể hiện trong án lệ. Việc sớm ban hành các án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử; bảo đảm các phán quyết của Tòa án công khai, minh bạch, thống nhất, tạo lập tính ổn định, minh bạch, góp phần bảo vệ tốt hơn những quyền, lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức; bảo đảm Tòa án là chỗ dựa của người dân về công lý. Việc sớm ban hành án lệ để áp dụng trong xét xử cũng là một trong những yêu cầu để triển khai có hiệu quả các đạo luật mới được Quốc hội khóa XIII thông qua, trong đó có quy định về việc áp dụng án lệ để giải quyết những vụ việc dân sự chưa được pháp luật quy định cụ thể theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của BLTTDS thì “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Đối với loại việc này, án lệ được quy định là một trong những căn cứ mà Tòa án có thể áp dụng để giải quyết vụ việc. Bên cạnh đó, việc công khai bản án, quyết định của Tòa án, áp dụng án lệ trong xét xử sẽ góp phần tạo lập môi trường pháp lý minh bạch, có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án, mà còn đối với cả cộng đồng xã hội.

Nhân đây, Chánh án TANDTC cũng đánh giá cao sự quan tâm, chia sẻ và phản biện từ phía các cơ quan báo chí thời gian qua. Việc đưa tin, bình luận, đánh giá mang tính xây dựng và trách nhiệm của các cơ quan báo chí đã góp phần quan trọng để án lệ từng bước đi vào thực tiễn, là kênh thông tin quan trọng để người dân và xã hội ngày càng hiểu rõ hơn ý nghĩa và giá trị của án lệ.
Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ