Kinh tế

Hội thảo khoa học “Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển"

Dương Vương 01/04/2023 11:58

Hội thảo khoa học “Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển (1653-2023)” diễn ra vào ngày 31/3 với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học.

Chủ trì Hội thảo là các ông Nguyễn Khắc Toàn- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Xuân Dũng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Nguyễn Đắc Tài - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Khánh Hòa.

khanh_-hoa-_phat_-trien-_kinh_-te-_bien_-dua_-tren_-nen_-tang_-cua_-kinh_-te_-bien_-xanh-_va_-kinh_-te_-tuan_-hoan_31_3-4-.png
Hội thảo khoa học có sự tham gia của 300 nhà nghiên cứu, chuyên gia và địa phương tại TP. Nha Trang.

Nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã tham gia tham luận tại Hội thảo.

khanh_-hoa-_phat_-trien-_kinh_-te-_bien_-dua_-tren_-nen_-tang_-cua_-kinh_-te_-bien_-xanh-_va_-kinh_-te_-tuan_-hoan_31_3-5-.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi nêu quan điểm về kinh tế biển xanh và kinh tế tuần hoàn tại Hội thảo.

Từ năm 1653, thời chúa Nguyễn Phúc Tần, vùng đất Kauthara từ núi Đá Bia - Đèo Cả vào đến bờ bắc sông Phan Rang trở thành đơn vị hành chính của nước Đại Việt. Ban đầu có tên gọi dinh Thái Khang, sau đó lần lượt đổi tên thành dinh Bình Khang (1690), dinh Bình Hòa (1803), trấn Bình Hòa (1808) và tỉnh Khánh Hòa (1832).

Trong suốt chiều dài lịch sử 370 năm (1653-2023), nơi đây luôn là bộ phận lãnh thổ, đơn vị hành chính cấp tỉnh của nước ta. Các nhà khoa học cũng có chung khẳng định, Khánh Hòa có đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia. Du khách gần xa đều cảm nhận người Khánh Hòa khiêm nhường, cởi mở, thân thiện, gần gũi, dễ hòa đồng.

khanh_-hoa-_phat_-trien-_kinh_-te-_bien_-dua_-tren_-nen_-tang_-cua_-kinh_-te_-bien_-xanh-_va_-kinh_-te_-tuan_-hoan_31_3-3-.png
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Khơi dậy di sản quá khứ với chiều dài lịch sử 370 năm hình thành và phát triển của Khánh Hòa.

Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, con số 370 năm chỉ là một mốc tương đối của lịch sử. Sau cuộc chinh phục bằng vũ lực của Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, dải đất từ Đèo Cả đến sông Phan Rang (nay thuộc Ninh Thuận) đã được minh định vào lãnh thổ Đại Việt.

Kỷ niệm 370 năm ngày thành lập Khánh Hòa cũng chính là cơ hội chúng ta kiểm kê lại một cách sát sao những tài nguyên và tài sản của quá khứ, gắn những giá trị phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội hiện tại, sẽ giúp ích cho công cuộc phát triển của Khánh Hòa và cả nước cùng tiến trình hội nhập với thế giới.

Chính những di sản của quá khứ sẽ là bệ đỡ để sự tiếp nhận và hội nhập có cơ sở phát triển một cách bền vững trên mảnh đất Khánh Hòa.

khanh_-hoa-_phat_-trien-_kinh_-te-_bien_-dua_-tren_-nen_-tang_-cua_-kinh_-te_-bien_-xanh-_va_-kinh_-te_-tuan_-hoan_31_3-4-.jpg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Toàn phát biểu bế mạc Hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội cho rằng: Để phát triển bền vững kinh tế biển, Khánh Hòa cần duy trì cho được nguồn vốn tự nhiên từ biển; Bảo tồn được thiên nhiên biển bao gồm cả cảnh quan biển; Bảo vệ được môi trường biển khỏi ô nhiễm và suy thoái.

Phát triển hiệu quả kinh tế biển dựa trên nền tảng của kinh tế biển xanh và kinh tế tuần hoàn; Thực thi nghiêm túc pháp luật về biển và kinh tế biển; Truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức cho các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ven biển và trên đảo.

Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi đề nghị tỉnh Khánh Hòa tập trung giải quyết các vấn đề. Thứ nhất là phải duy trì môi trường hòa bình; Thứ hai là văn hóa kết hợp với sinh thái biển; Thứ ba là kiểm soát được ô nhiễm biển thành công; Thứ tư là phục hồi các hệ sinh thái; Thứ 5 là thích ứng với biến đổi khí hậu; Thứ sáu là quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo trong phạm vi Việt Nam và Khánh Hòa.

Hội thảo đã nhận được 146 bài viết, tham luận của các vị nguyên lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, học giả, nhà quản lý trên nhiều lĩnh vực trong cả nước; các cơ quan, ban ngành của tỉnh, các địa phương.

khanh_-hoa-_phat_-trien-_kinh_-te-_bien_-dua_-tren_-nen_-tang_-cua_-kinh_-te_-bien_-xanh-_va_-kinh_-te_-tuan_-hoan_31_3-3-.jpg
Thiên nhiên ban tặng Khánh Hòa dải bờ biển tuyệt đẹp, tạo lợi thế phát triển kinh tế biển xanh.

Phát biểu bế mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Toàn đánh giá: “Có 11 tham luận được trình bày tại hội thảo và 3 tham luận được biên tập trong tài liệu của 14 học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành tầm quốc gia, quốc tế và đã cung cấp cho Hội thảo nhiều góc nhìn khoa học, phát hiện mới mẻ, độc đáo làm cho cho diện mạo và viễn cảnh Khánh Hòa qua 370 năm xây dựng và phát triển càng thêm rõ nét, đẹp tươi và định hướng tương lai”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo khoa học “Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển"