Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ của Pháp

Mai Đỉnh - Hải Đăng| 30/05/2022 18:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 30/5, tại Hà Nội, TANDTC phối hợp cùng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Tòa phá án Pháp tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ của Pháp”. Thẩm phán TANDTC Nguyễn Văn Dũng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các đại diện các đơn vị thuộc TANDTC; các chuyên gia và nhà khoa học đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương.

Về phía Pháp có ông Besla Hegedus, Trưởng phòng Pháp luật và quản trị, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; bà Florence Merloz, Thẩm phán, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Tòa phá án Pháp; bà Stéphanie Robin-Raschel, Thẩm phán Tòa Phá án, Cố vấn phòng dân sự số 1, Chuyên gia về tranh chấp sở hữu trí tuệ.

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

1.4.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Mục đích của Hội thảo nhằm giới thiệu, chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm quý báu của Tòa án Pháp về pháp luật cũng như kỹ năng giải quyết các vụ án về sở hữu trí tuệ tại Pháp. Cụ thể, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận các vấn đề: Quy định pháp luật và thực tiễn xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ tại Toà án Việt Nam; Pháp luật về sở hữu trí tuệ của Pháp và Thực tiễn và kỹ năng giải quyết các vụ án về sở hữu trí tuệ tại các Tòa án Pháp.

Trong các năm từ 2016 đến 9/2021, các Tòa án Việt Nam đã giải quyết 40 vụ án dân sự và 150 vụ án kinh doanh thương mại. Số lượng các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý về hình sự cũng không nhiều, chỉ có 21 vụ án được giải quyết trong thời gian từ 2016 đến 2021. Thực tiễn xét xử các vụ án trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho thấy, mặc dù số vụ án đưa đến Tòa án giải quyết không nhiều nhưng có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây và tính chất vụ án ngày càng phức tạp.

1.5.jpg
Thẩm phán TANDTC Nguyễn Văn Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc, Thẩm phán TANDTC Nguyễn Văn Dũng cho biết, trong đời sống kinh tế hiện đại, việc đấu tranh, phòng ngừa và xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề luôn được các quốc gia quan tâm. Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia vào các hiệp định thương mại thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) thì vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng.

Phẩm phán Nguyễn Văn Dũng cho rằng, so với các lĩnh vực pháp luật khác, pháp luật về sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực tương đối mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam hiện nay tương đối đầy đủ, bao gồm mọi khía cạnh của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

1.1.jpg
Ông Besla Hegedus, Trưởng phòng Pháp luật và quản trị, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Các quy định của Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam là một trong những cơ sở cho việc xây dựng các phương án đàm phán liên quan đến sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định Thương mại tự do. Cùng với đó, tài sản sở hữu trí tuệ ngày càng đa dạng và phong phú, đặc biệt trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Dự báo, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này ngày càng tăng và càng nguy hiểm hơn về tính chất vi phạm, có tổ chức chặt chẽ không chỉ ở Việt Nam mà còn mở rộng đến các tổ chức và cá nhân nước ngoài.

Vì vậy Việt Nam cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, các Tòa án cần nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng giải quyết các vụ án trong lĩnh vực này. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết cho Tòa án Việt Nam là phải chuyên môn hóa việc giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ.

1.2.jpg
Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Florence Merloz, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tòa Phá án Pháp bày tỏ vui mừng trước sự thành công của hoạt động hợp tác giữa Tòa Phá án Pháp với TANDTC Việt Nam. Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ lần này cũng là một trong rất nhiều hoạt động nằm trong Thỏa thuận hợp tác giữa TANDTC Việt Nam với Tòa Phá án Pháp.

Những thông tin, kinh nghiệm mà đồng nghiệp từ Tòa phá án Pháp chia sẻ tại Hội thảo này là nguồn tài liệu quý để Tòa án Việt Nam tham khảo nhằm nâng cao chất lượng xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trong tương lai.

Tại Hội thảo, các Thẩm phán Tòa Phá án Pháp cùng với đại biểu phía Việt Nam tích cực trao đổi, thảo luận, đặc biệt tập trung vào các quy định pháp luật, những đặc thù cần chú ý trong giải quyết các vụ án liên quan sở hữu trí tuệ tại Tòa án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ của Pháp