Sáng 23/8, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm đã tổ chức Hội nghị truyền thông về việc làm khu vực phía Bắc tại Thái Nguyên.
Hội nghị truyền thông về việc làm khu vực phía Bắc nhằm cũng cấp thông tin về các kết quả thực hiện những chính sách việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp và phát triển thị trường lao động thời gian qua. Cùng với đó, định hướng các vấn đề trọng tâm về lĩnh vực việc làm trong năm 2019 và các năm tiếp theo cho các cơ quan báo chí. Hội nghị cũng là cơ hội để các nhà báo chia sẻ, trao đổi thông tin với cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách việc làm.
Ông Lê Quang Trung và TS.Trần Ngọc Diễn chủ trì Hội nghị. Ảnh Trang Nhi
Tới dự hội nghị có ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm; TS. Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; TS. Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; TS. Nguyễn Công Dũng - Phó Tổng Biên tập thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan tại tỉnh Thái Nguyên.
Ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm cho biết: "Với trách nhiệm của mình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; mở rộng phạm vi bao phủ của các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động sang khu vực phi chính thức. Gắn đào tạo với việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tạo bước đột phá trong giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo chuyển biến rõ nét, thực chất về chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động hoặc là làm việc cho doanh nghiệp, hoặc là với kiến thức, kỹ năng nghề được trang bị có thể tự chuyển đổi việc làm hiện tại sang việc làm có chất lượng tốt hơn".
Nhiều cơ quan báo chí, đơn vị quản lý tham dự hội nghị. Ảnh Trang Nhi
Tại Hội nghị, lãnh đạo Cục Việc làm đã tổng kết kết quả 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp và định hướng cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7. Bên cạnh đó, đại diện Cục Việc làm cũng đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách việc làm cho các đối tượng đặc thù (người mãn hạn tù, người sau cai nghiện,...).
Cụ thể, ông Trần Tuấn Tú – Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm) cho biết: "Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chính sách mới trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động, là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm. Song quan trọng hơn vẫn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm".
Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục tăng qua từng năm, đến nay là gần 13 triệu người tham gia, vượt so với dự kiến. Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề ngày càng được tăng cường và hiệu quả; 96,8% được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hơn 180 nghìn người được hỗ trợ học nghề.
Sau 10 thực hiện, số người tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục tăng qua các năm và đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu năm 2009 mới chỉ có 5.993.300 người tham gia BHTN thì tới năm 2015 (năm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực) đã có 10.308.180 người tham gia, tăng 11,8% so với năm 2014. Tới năm 2018 đã có 12.680.173 người tham gia, tăng 7,7% so với năm 2017, bằng 87,7% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc (14,45 triệu người), tổng số đơn vị tham gia BHTN là 361.586 đơn vị.
Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam - TS. Trần Bá Dung đã đưa ra những khó khăn trong công tác truyền thông về việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp và giải pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, đại diện các đơn vị báo chí cũng sẽ đưa những kinh nghiệm tuyên truyền trong lĩnh vực việc làm và một số các vấn đề liên quan ra tham luận tại hội nghị.