Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ Tòa án: Nhiều vấn đề về nghiệp vụ được giải đáp

Mai Thoa| 30/07/2019 17:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 29/7, TANDTC tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ của Tòa án các cấp. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị.

Tham gia tập huấn có các đồng chí Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Trí Tuệ, Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Văn Du và các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Vướng mắc về hình sự

Những câu hỏi được Tòa án nhiều địa phương gửi đến đều là những vấn đề rất đáng quan tâm và thiết thực, bao gồm các nội dung: Vướng mắc liên quan đến tội cho vay nặng lãi theo quy định tại Điều 201 của BLHS 2015 như xác định khoản tiền để xác định trách nhiệm hình sự, cách xác định tư cách bị hại, việc trưng cầu giám định; Vướng mắc liên quan đến việc chấp hành án phạt tù như việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Giải đáp nội dung liên quan đến Tội cho vay nặng lãi, Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa cho biết: Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự thì: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay…”. Do đó, khoản tiền để xác định trách nhiệm hình sự là số tiền sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất theo quy định của BLDS.

Khoản tiền để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay, nếu hành vi cho vay lãi nặng được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

Trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần phạm tội từ 100 triệu đồng trở lên, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của BLHS.

Về khoản tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thu được từ việc cho vay lãi nặng bị tịch thu sung công hay trả lại cho người vay, Thẩm phán Bùi Ngọc Hòa giải đáp: Đây là khoản tiền mà người phạm tội thu lợi bất chính của người vay nên được trả lại cho người vay tiền, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy…) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung công quỹ.

Về trường hợp người chấp hành án mới được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù (trong thời hạn 01 năm) thì có được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện hay không, Thẩm phán Bùi Ngọc Hòa cho hay: Theo các quy định của pháp luật về tha tù trước thời hạn có điều kiện thì không giới hạn thời gian từ khi được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đến khi xét tha tù trước thời hạn có điều kiện. Do đó, nếu người đang chấp hành án phạt tù có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 66 của BLHS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện thì có thể tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ Tòa án: Nhiều vấn đề về nghiệp vụ được giải đáp

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự có đồng phạm được xác định như thế nào, Thẩm phán TANDTC Trần Văn Cò cho biết: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án có đồng phạm được thực hiện theo quy định tại Điều 587 của BLDS năm 2015. Theo đó, “Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”. Ngoài ra, để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự thì Tòa án có thể tham khảo thêm hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Những vấn đề về hành chính

Lĩnh vực hành chính cũng có nhiều vướng mắc được giải đáp tại Hội nghị này.

 Thẩm phán Trần Hữu Quân, Chánh án TAND tỉnh Hà Nam nêu vấn đề: Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp phải xác minh làm rõ hành vi vi phạm hành chính được xác định như thế nào? Thẩm phán TANDTC Đào Thị Xuân Lan đã giải đáp. Theo đó, trường hợp khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, người có thẩm quyền chỉ lập biên bản để ghi nhận vụ việc (như biên bản kiểm tra, biên bản làm việc…), sau đó tiến hành xác minh làm rõ tình tiết vụ việc vi phạm hành chính. Sau khi có kết quả xác minh người có thẩm quyền mới lập biên bản vi phạm hành chính thì thời hạn ra quyết định xử phạt hành chính được tính kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Trường hợp việc xác minh được thực hiện sau khi lập biên bản vi phạm hành chính làm cơ sở để người có thẩm quyền xem xét, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo đó, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.

Về vấn đề khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền có được căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính bổ sung hay không, Thẩm phán Đào Thị Xuân Lan cho hay, Luật Xử lý vi phạm hành chính không có quy định về biên bản vi phạm hành chính bổ sung. Tại khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần…”. Do đó, khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền phải căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính đã được lập.

Đối với trường hợp sau khi lập biên bản vi phạm hành chính lại phát hiện thêm vi phạm hành chính khác thuộc phạm vi quản lý của mình, người có thẩm quyền đã tiếp tục lập biên bản đối với vi phạm hành chính này thì được căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính lập sau để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Kết luận hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, buổi họp trực tuyến với nhiều vấn đề chuyên môn quan trọng được giải đáp. Các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã chuẩn bị và trả lời câu hỏi thỏa đáng, sát với thực tế và có căn cứ pháp lý, đáp ứng yêu cầu của các địa phương. Chánh án TANDTC hoan nghênh các Tòa án địa phương đã có câu hỏi gửi về hội nghị và cho hay, những câu hỏi chưa trả lời được tại hội nghị sẽ trả lời trong những phiên tiếp theo.

Chánh án TANDTC cũng đề nghị, các điểm cầu tiếp tục phản hồi các ý kiến, những băn khoăn hay chưa được giải đáp tại hội nghị thì gửi về Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC để tổng hợp, trên cơ sở các ý kiến đóng góp sẽ tiếp thu và trả lời chính thức bằng văn bản để các Tòa án địa phương tham khảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ Tòa án: Nhiều vấn đề về nghiệp vụ được giải đáp