Ngày 20/1, tại Hội nghị triển khai công tác TAND năm 2015, các đại biểu thảo luận góp ý kiến đối với Dự thảo BLTTHS (sửa đổi), Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi), dự thảo BLTTDS (sửa đổi). Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình chủ trì phiên thảo luận này.
Theo Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 thì TANDTC được phân công chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); phối hợp với VKSNDTC và các cơ quan hữu quan chuẩn bị dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Các dự án luật này sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua năm 2015. Có thể nói, đây là những đạo luật cơ bản, rất quan trọng, trực tiếp liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và TAND nói riêng; liên quan đến yêu cầu duy trì và bảo vệ trật tự xã hội; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Bởi vậy, việc xây dựng các dự án luật này phải thể chế hóa được những quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung và TAND nói riêng; bảo đảm việc cụ thể hóa các quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận; bảo đảm thi hành đúng và có hiệu quả các quy định của Luật Tổ chức TAND và Luật Tổ chức VKSND năm 2014 cũng như phải bảo đảm tính thống nhất của các dự án luật này với luật khác trong hệ thống pháp luật của nước ta.
Phiên thảo luận được chia thành nhiều tổ nhằm nâng cao chất lượng đóng góp ý kiến
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cũng lưu ý các đại biểu khi thảo luận cần quan tâm đến các vấn đề như: Tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm về cải cách tư pháp đã được xác định trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 “Về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”; Báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và triển khai thi hành các quy định mới của Luật Tổ chức TAND, theo đó TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; yêu cầu khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án, theo đó việc xây dựng các dự án luật tố tụng (sửa đổi) phải được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập, kế thừa những quy định còn phù hợp, đang phát huy tác dụng.
Để thực hiện được các yêu cầu nêu trên, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các dự án luật, Chánh án Trương Hòa Bình cũng đề nghị các đại biểu lưu ý một số vấn đề lớn, như: Điều chỉnh lại thẩm quyền xét xử của từng cấp Tòa án để phù hợp với mô hình tổ chức Tòa án bốn cấp theo Luật Tổ chức TAND năm 2014; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm: Bảo đảm tranh tụng trong xét xử là một trong những yêu cầu quan trọng của cải cách tư pháp và đã được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013. Theo quy định tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp 2013 thì việc tranh tụng phải được bảo đảm trong xét xử chứ không chỉ tại phiên tòa; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm. Đảm bảo nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” là một trong những yêu cầu quan trọng nhất để TAND thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo đó, cần sửa đổi bổ sung các luật tố tụng theo hướng quy định cụ thể những hành vi bị coi là can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm (như: Gây sức ép, tác động bằng những lợi ích vật chất hoặc tinh thần; đưa tin sai sự thật về việc giải quyết vụ án…).
Trên cơ sở chỉ đạo của Chánh án Trương Hoà Bình, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc về xây dựng Dự thảo các luật tố tụng. Chúng tôi sẽ tổng hợp những ý kiến tâm huyết của các đại biểu và phản ánh đến bạn đọc trong những số báo tiếp theo.