Sáng nay 16/7, UBTVQH tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những tháng cuối năm 2020 và 2021. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị.
Tới dự có lãnh đạo đại diện Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước; đại diện các bộ ngành Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội.
Báo cáo về kế hoạch triển khai nghị quyết Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những tháng cuối năm 2020 và năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, chương trình kỳ họp từ nay đến hết 2020 sau khi điều chỉnh theo nghị quyết của Quốc hội sẽ có các nội dung: Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, 01 nghị quyết và cho ý kiến 04 dự án luật khác; xem xét đối với 01 dự án pháp lệnh là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2021) sẽ xem xét thông qua 04 dự án luật, không cho ý kiến đối với dự án luật nào.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV (tháng 7/2020), chỉ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với 6 dự án luật, không thông qua luật nào.
Về triển khai xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay: Năm 2021 có đặc thù là năm chuyển giao nhiệm kỳ với 03 kỳ họp Quốc hội; thời gian giữa các kỳ họp không nhiều, trong khi đó Kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2021) chủ yếu tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ; Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021) tập trung cho công tác nhân sự sau bầu cử, nên công tác lập pháp tập trung chủ yếu ở kỳ họp thứ 2. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ trình Quốc hội theo chương trình đề ra, các cơ quan cần tập trung nguồn lực, có kế hoạch triển khai chặt chẽ, chuẩn bị hoàn thiện dự án chất lượng theo đúng tiến độ.
Quang cảnh hội nghị
Đối với dự án để triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội… đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, chuẩn bị kỹ lưỡng để có báo cáo Quốc hội, UBTVQH xem xét điều chính bổ sung dự án luật này vào chương trình năm 2021 và những năm tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng báo cáo: nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 cũng như năm 2021 là tương đối nặng, vì số lượng các dự án luật và Chính phủ trình Quốc hội lớn (17 dự án luật, pháp lệnh). Bên cạnh đó, các bộ còn phải xây dựng văn bản quy định chi tiết các luật được thông qua tại kỳ họp thứ 8 và 43 văn bản quy định chi tiết các luật vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Đại diện các bộ ngành cũng đã báo cáo về tiến độ thực hiện các phần việc của đơn vị mình.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan này xác định đây là những nội dung quan trọng phải thực hiện; luôn bám sát nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội để có những đề xuất kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay có hai dự án luật rất quan trọng chưa thấy có tên trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Đó là dự án Luật về các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở và Luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Hiện nay nội dung tài liệu liên quan đến dự luật đã hoàn thành và đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Công an để lấy ý kiến nhân dân. Vì vậy đề nghị UBTVQH xem xét vấn đề này.
Báo cáo về tiến độ thực hiện một số dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm cho biết, Bộ Quốc phòng đã tích cực phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh để tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Biên phòng Việt Nam; đồng thời đối với các Luật thuộc trách nhiệm chủ trì soạn thảo, Bộ Quốc phòng đảm bảo đúng tiến độ theo quy định của pháp luật và tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Y tế… cũng báo cáo tiến độ thực hiện các dự án luật, pháp lệnh được giao.
Phát biểu thảo luận, đại diện các cơ quan liên quan cũng khẳng định sẽ có biện pháp để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Đại diện các Ủy ban của Quốc hội cho rằng, hiện còn rất nhiều văn bản quy định chi tiết đang bị nợ chưa ban hành nên đề nghị các bộ có trách nhiệm khẩn trương thực hiện. Bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa việc đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những dự án luật mang tính cục bộ của ngành, hay có tính chất “quyền anh”, “quyền tôi” trong đó.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị lưu ý khi trình dự án luật liên quan đến dự án sửa đổi các luật khác để không ảnh hưởng đến kế hoạch chung; Phải rà soát để định hướng sửa luật nào trước, luật nào sau đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất. Cùng với đó đề nghị các bộ ngành thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình thêm một số nội dung liên quan đến các dự án luật chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh 2021.
Nhấn mạnh, chương trình năm 2021 là tương đối nặng, vì số lượng các dự án luật và Chính phủ trình Quốc hội lớn (17 dự án luật, pháp lệnh). Bên cạnh đó, các bộ còn phải xây dựng văn bản quy định chi tiết các luật được thông qua tại kỳ họp thứ 8 và 43 văn bản quy định chi tiết các luật vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Riêng, Kỳ họp thứ 11 hiện đã có 4 dự án luật đưa vào chương trình. Bình thường kỳ họp cuối nhiệm kỳ Quốc hội chỉ có 1 đến 2 dự án luật nhưng kỳ này đã có đến 4 dự án luật, cùng với 2 dự án luật trong chương trình nữa nâng tổng số lên 6 dự án.
Hơn nữa, những dự án luật này sẽ cho ý kiến vào Kỳ hợp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Vì đây là thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ giữa các ngành nên việc xây dựng các dự án luật này là rất nặng nề, Bộ trưởng Long cho biết.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: việc xây dựng thể chế là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Các ý kiến tại hội nghị đều thống nhất với nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2020 và điều chỉnh 2021.
Đối với dự án luật bổ sung thêm vào chương trình 2020 và 2021, đề nghị các cơ quan liên quan cần hết sức lưu ý để đảm bảo chất lượng, đúng tinh thần theo Luật ban hành văn bản QPPL để trình Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là công tác quan trọng, khâu đột phát quyết định sự phát triển đất nước. Tại Hội nghị, các đại biểu đều thống nhất cao với Nghị quyết 977/NQ-UBTVQH14 về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội kèm theo Bảng phân công cơ quan trình, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh.
Đối với những giải pháp để khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị các dự án Luật, đều là các giải pháp rất truyền thống, đề nghị các cơ quan, bộ ngành, đơn vị hữu quan nghiêm túc thực hiện để đảm bảo hoàn thành Chương trình đã đề ra.