Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2021

Mai Thoa| 10/06/2020 15:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay 10/6, Quốc hội biểu quyết thông qua: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Có điều chỉnh mới năm 2021

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết:

Ngày 22/5/2020, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020. Các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, đề xuất giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện hiệu quả Chương trình.

Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2021

Kết quả biểu quyết thông qua Chương trình xây dựng luật,  pháp lệnh 2021

Theo đó, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 được điều chỉnh như sau: Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 10 các dự án, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi);  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Điều chỉnh thời gian trình đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021).

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 được điều chỉnh gồm: Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (tháng 3/2021), trình Quốc hội thông qua 04 dự án luật, gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021), trình Quốc hội thông qua: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021, trình Quốc hội cho ý kiến 06 dự án luật, gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Nghị quyết giao, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội quyết định, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của  Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong công tác xây dựng pháp luật; không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo không bảo đảm đầy đủ hồ sơ, tài liệu, không bảo đảm chất lượng và tiến độ; kiểm điểm, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc không hoàn thành nhiệm vụ soạn thảo được giao, phải lùi, rút dự án, dự thảo ra khỏi Chương trình để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời có giải pháp kiên quyết xử lý để tiến tới chấm dứt tình trạng này.

Với tỷ lệ 94,82% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình năm 2020.

Thông qua Luật Giám định tư pháp

Với tỷ lệ tán thành 94,62%, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật giám định tư pháp.

Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2021

Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua dự án Luật

Theo đó, Luật này có những sửa đổi, bổ sung đáng chú ý như sau: Bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là tổ chức GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử (khoản 4, 5 Điều 12).

Về thời hạn giám định, đối với trường hợp giám định theo vụ việc thì ở từng lĩnh vực giám định như: đầu tư, tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông, khoa học và công nghệ,... để bảo đảm tính khả thi, Luật GĐTP chỉ quy định thời hạn tối đa, còn thời hạn ở từng lĩnh vực chuyên môn được giao cho bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực quy định cụ thể.

Chi phí giám định tư pháp, khoản 2 Điều 36 dự thảo Luật đã bổ sung quy định kinh phí thanh toán chi phí giám định mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, được bảo đảm từ ngân sách nhà nước theo dự toán hằng năm của cơ quan đó để thực hiện nhiệm vụ GĐTP.

Ngoài những nội dung trên, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến ĐBQH, rà soát toàn bộ dự thảo Luật để chỉnh lý nhiều điều, khoản cụ thể khác cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp trình Quốc hội thông qua gồm: bổ sung 01 điều; sửa đổi, bổ sung nội dung 26 Điều và chỉnh lý kỹ thuật 03 Điều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2021