Tin nhanh

Hội nghị G20 đạt được nhiều bước tiến mới

Hà Mai 10/09/2023 08:37

Đăng cai tổ chức Hội nghị G20 khi thế giới đối mặt với nhiều khủng hoảng, với Ấn Độ, đó lại là cơ hội để tỏa sáng.

100% nhất trí với tuyên bố chung

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ trong 2 ngày 9 và 10/9. Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio… đến Ấn Độ dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay.

z4679161906066_95f849327ef8388421b808c4d79bea15.jpg
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trong phiên họp đầu tiên của Hội nghị thưởng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/9/2023. (Ảnh: AP)

Ngày 9/9, sau một ngày làm việc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí với tuyên bố chung được đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi.

Ông Amitabh Kant, người đứng đầu đoàn đàm phán G20 của Ấn Độ, thông tin đã có "100% sự đồng thuận từ tất cả các nước" đối với tất cả 83 đoạn trong tuyên bố chung.

Tuyên bố chung nhấn mạnh: "Theo Hiến chương Liên hợp quốc, tất cả các quốc gia phải tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giành lãnh thổ, chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền hoặc sự độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào".

Các nhà lãnh đạo G20 cũng nói rằng "việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận".

Tuyên bố chung cho biết, nhóm G20 cam kết tăng cường và cải cách các ngân hàng phát triển đa phương, chấp nhận đề xuất đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về tiền điện tử, kêu gọi tăng tốc nỗ lực hướng tới sử dụng năng lượng sạch...

Đối với Ấn Độ, nước giữ nhiệm kỳ Chủ tịch G20 năm nay, việc ra được tuyên bố chung là một thắng lợi lớn bởi trước đó, nhiều nhà phân tích lo ngại Hội nghị thượng đỉnh năm nay có thể sẽ là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo G20 không đạt được tuyên bố chung vì những bất đồng về xung đột Nga - Ukraine.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào năm ngoái, các nước thành viên đã nhất trí ra tuyên bố chung khá muộn, một phần nhờ Bắc Kinh ủng hộ cách dùng từ ngữ trong tuyên bố chung.

Liên minh châu Phi gia nhập G20 - sự thừa nhận mạnh mẽ đối với đối với lục địa 1 tỷ dân

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố khi ông khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ở New Delhi dành cho các quốc gia giàu có nhất thế giới, Liên minh châu Phi sẽ gia nhập G20 với tư cách là thành viên thường trực.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Modi đã mời Chủ tịch Liên minh châu Phi, Tổng thống Comoros Azali Assoumani, đảm nhận vị trí thành viên thường trực của nhóm trong khi các nhà lãnh đạo khác vỗ tay hoan nghênh.

z4679161936930_b5f873df90e3b6a9117944a43d20b6a4.jpg
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) đón Chủ tịch Liên minh châu Phi - Tổng thống Comoros Azali Assoumani - khi ông tới trung tâm hội nghị Bharat Mandapam để dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/9/2023. (Ảnh: AP)

Ông Modi đang tập hợp các nhà lãnh đạo toàn cầu ở New Delhi, chịu trách nhiệm đưa ra các cuộc thảo luận xung quanh một số vấn đề cấp bách nhất, bao gồm cả những lo lắng kinh tế toàn cầu và khủng hoảng khí hậu cần hành động khẩn cấp từ những nước giàu nhất thế giới.

“Hôm nay, với tư cách là Chủ tịch của G20, Ấn Độ kêu gọi thế giới cùng nhau biến sự thiếu hụt niềm tin toàn cầu thành niềm tin và sự đoàn kết”, ông Modi nói trong bài phát biểu khai mạc.

“Đây là lúc tất cả chúng ta phải cùng nhau hành động… Dù là sự chia rẽ giữa Bắc và Nam, khoảng cách giữa Đông và Tây, quản lý lương thực và nhiên liệu, khủng bố, an ninh mạng, y tế, năng lượng hay an ninh nước, chúng ta phải tìm ra giải pháp vững chắc cho vấn đề này cho các thế hệ tương lai”.

Liên minh châu Phi là một cơ quan lục địa bao gồm 55 quốc gia thành viên tạo nên các quốc gia thuộc lục địa châu Phi. Từ lâu, liên minh này đã là khách mời tham dự cuộc họp mặt G20 cùng với các tổ chức toàn cầu lớn khác, bao gồm Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Tuy nhiên, bước đi này sẽ khiến Liên minh châu Phi trở thành thành viên thường trực - giống như Liên minh châu Âu - có khả năng biến G20 thành G21 và trao cho khối châu Phi một ghế hàng đầu tại một trong những cơ quan quản trị toàn cầu quyền lực nhất thế giới.

Kể từ khi đảm nhận chức Chủ tịch G20, ông Modi đã quan tâm đến việc nâng cao uy tín của Ấn Độ với tư cách là nhà lãnh đạo của các quốc gia mới nổi và đang phát triển, được gọi là "Phương Nam toàn cầu", thúc đẩy tăng cường hợp tác với các quốc gia giàu có hơn để giúp đảm bảo các huyết mạch tài chính quan trọng.

Ông Modi trước đây đã nói về ý định đưa Liên minh châu Phi vào nhóm. “Khi chúng tôi nói rằng chúng tôi coi thế giới như một gia đình, chúng tôi thực sự có ý đó”, ông Modi nói trong cuộc phỏng vấn trước hội nghị thượng đỉnh với Press Trust of India - một trong những hãng thông tấn lớn nhất Ấn Độ. “Châu Phi là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi ngay cả trong G20. Một trong những điều đầu tiên chúng tôi làm trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 là tổ chức Hội nghị thượng đỉnh "Phương Nam toàn cầu" với sự tham gia nhiệt tình từ châu Phi”.

Đạt được đồng thuận về tăng cường năng lượng sạch

Các nhà lãnh đạo G20 hôm thứ Bảy đã đồng ý tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo và cố gắng tăng kinh phí cho các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu, nhưng chưa đạt được sự thay đổi liên quan đến việc loại bỏ dần than thải carbon.

Tại một cuộc họp báo ngay sau khi các nhà lãnh đạo của G20 - cũng là những quốc gia thải ra 80% tổng lượng khí khiến hành tinh nóng lên - đưa ra tuyên bố, ông Amitabh Kant, một quan chức cấp cao của Chính phủ Ấn Độ chủ trì một số cuộc đàm phán G20, gọi tuyên bố chung của G20 lần này “có lẽ là tài liệu sôi động, năng động và đầy tham vọng nhất về hành động vì khí hậu”.

z4679162024037_ff91c5054e35e02d0ce46ec02b303796.jpg
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, trái, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, giữa, và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự lễ ra mắt Liên minh Nhiên liệu sinh học Toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/9/2023. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, chuyên gia khí hậu Harjeet Singh của Mạng lưới hành động vì khí hậu quốc tế cho biết: “Mặc dù cam kết của G20 đối với các mục tiêu năng lượng tái tạo là đáng khen ngợi, nhưng nó đã bỏ qua nguyên nhân sâu xa - sự phụ thuộc toàn cầu của chúng ta vào nhiên liệu hóa thạch”.

Trong khi hầu hết các chuyên gia về khí hậu và năng lượng không mấy tin tưởng, họ vẫn thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo G20 đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về hành động vì khí hậu, ngay cả khi thế giới đang chứng kiến ​​những thảm họa thiên nhiên ngày càng thường xuyên như nắng nóng cực độ và bão lũ. Ngay cả tại cuộc họp cuối cùng của các Bộ trưởng về khí hậu G20 trước Hội nghị thượng đỉnh, những bất đồng vẫn còn đó.

Các nhà lãnh đạo toàn cầu và các chuyên gia về khí hậu cho biết, tuyên bố này đã đưa cuộc đối thoại về khí hậu tiến triển, tạo tiền đề cho một thỏa thuận khí hậu đầy tham vọng khi họ gặp nhau tại Hội nghị khí hậu toàn cầu, COP28, ở Dubai vào cuối năm nay.

Ông Sultan al-Jaber, người sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Dubai, cho biết: “20 quốc gia này thải ra 80% lượng khí thải toàn cầu, vì vậy tuyên bố này đã cho thấy một tín hiệu mạnh mẽ về tiến bộ khí hậu”.

Theo báo cáo của Global Energy Monitor, một tổ chức theo dõi nhiều dự án năng lượng trên khắp thế giới, các nước G20 là nơi có 93% nhà máy điện than đang vận hành trên toàn cầu và 88% nhà máy điện than chưa có hệ thống công nghệ thu giữ carbon.

Chuyên gia khí hậu Singh, người đã theo dõi các cuộc đàm phán về khí hậu quốc tế trong hơn hai thập kỷ, cho biết: “Đã đến lúc các quốc gia giàu có trong nhóm này phải làm gương, biến lời hứa thành hành động và giúp tạo dựng một tương lai xanh hơn, công bằng hơn cho tất cả mọi người”.

Lần đầu tiên, các nước G20 đã đồng ý về số tiền cần thiết để chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Tuyên bố nêu rõ rằng, các nước đang phát triển cần 5,9 nghìn tỷ USD cho đến năm 2030 để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu của họ. Nó cho biết sẽ cần thêm 4 nghìn tỷ USD mỗi năm cho đến cuối thập kỷ này nếu các nước đang phát triển muốn đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Madhura Joshi, nhà phân tích năng lượng của tổ chức nghiên cứu khí hậu E3G có trụ sở tại Mumbai, cho biết: “G20 này đã chứng kiến ​​nhiều điều đầu tiên. Tuy nhiên, G20 vẫn không thể thống nhất trong vấn đề giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch”.

“Việc tăng cường năng lượng tái tạo và giảm nhiên liệu hóa thạch nhất thiết phải xảy ra cùng nhau - chúng ta cần hành động táo bạo hơn từ các nhà lãnh đạo của cả hai. Mọi sự chú ý hiện đang đổ dồn vào COP28 - liệu các nhà lãnh đạo có thể thực hiện được không?” Madhura Joshi nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị G20 đạt được nhiều bước tiến mới